Thủ tướng sẽ gặp các nhà đầu tư FDI vào ngày mai (22.4)
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:20, 21/04/2023
Với mong muốn cộng đồng DN đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả và đóng góp nhiều hơn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp vào lúc 8 giờ ngày 22.4 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương cùng khoảng 80 điểm cầu tại nước ngoài. Cuộc gặp này nhằm truyền tải thông điệp của người đứng đầu Chính phủ và tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài.
Khu vực đầu tư FDI được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng DN FDI sẽ đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI.
Đồng thời, nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng đã họp bàn với đại diện của nhiều DN FDI đang đầu tư lớn tại Việt Nam như: Samsung, Canon, Foxconn, Luxshare... để bàn về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Các DN đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thành khung pháp lý trong nước (sửa Luật quản lý thuế) để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu với các DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam.
Đồng thời, đại diện các DN FDI cũng mong muốn Chính phủ sử dụng chính nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu để hỗ trợ các DN FDI đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cấp dây chuyền sản xuất, hỗ trợ tiền thuê đất, đưa đón nhân viên... như một biện pháp duy trì cam kết ưu đãi đầu tư.
Chương trình thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các nước đầu tư, nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ có quyền đánh thuế đối với thu nhập toàn cầu đến mức thuế suất 15%. Theo đó, chính sách ưu đãi của các nước nhận đầu tư và nước đang phát triển như Việt Nam thì có sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách.
Đối với Việt Nam là nước tiếp nhận đầu tư, toàn quốc hiện có 36.500 dự án đầu tư với tổng số vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 435 tỉ USD, qua đánh giá của Tổng cục Thuế thì sẽ có khoảng 1.017 DN chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu trong mạng lưới của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, 335 DN có mức đầu tư trên 100 triệu USD và có mạng lưới các DN phụ trợ đi theo đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 130 tỉ USD, chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Kèm theo các DN này sẽ có hàng nghìn DN vệ tinh, phụ trợ đi theo sẽ bị ảnh hưởng nếu các tập đoàn có điều chỉnh chính sách đầu tư.
Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy, các DN FDI đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng trên 110.000 tỉ đồng thuế thu nhập DN, số thuế bị tác động các nước phát triển truy thu khoảng từ 12.000 tỉ đồng đến 30.000 tỉ đồng.