Long An khởi công đường song hành Vành đai 4 TP.HCM
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 21:18, 21/04/2023
Tuyến ĐT 830E dài gần 9,4km, điểm đầu giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (An Thạnh, Bến Lức), điểm cuối kết nối đường tỉnh 830 (Long Định, huyện Cần Đước). Trong đó, hơn 1km đoạn đầu tuyến sau khi hoàn thành sẽ quản lý theo quy hoạch Vành đai 4, TP.HCM.
Đoạn còn lại, gồm hai đường song hành, mỗi đường hai làn xe hỗn hợp rộng 7m, cùng làn xe thô sơ rộng 2,5m. Riêng phần nối ra đường tỉnh 830 rộng 30m, 6 làn xe. Trong tương lai, tuyến sẽ được đầu tư thành đường cao tốc 8 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành có 4 làn xe hỗn hợp (mỗi chiều 2 làn). Nguồn vốn xây dựng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.
Sau khi tuyến ĐT 830E được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo trục kết nối giao thông từ các tuyến đường tỉnh của địa phương với Quốc lộ 1, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, ĐT 830C, ĐT 830. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông qua nội ô thị trấn Bến Lức, tăng cường kết nối giao thông với mạng lưới đường bộ quốc gia và TP.HCM. Đồng thời, kết nối các khu, cụm công nghiệp từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Hiệp Phước - TP.HCM, cũng như cảng Quốc tế Long An thông qua đường ĐT 830 đã được đầu tư hoàn thành.
Dự án do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Long An làm chủ đầu tư bằng vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng gần 2.500 tỉ đồng, còn lại là tiền đầu tư xây dựng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 2 năm thi công.
Liên quan đến đường vành đanh 4, tại buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM ngày 16.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất giao tỉnh Long An chủ trì dự án vành đai 4 TP.HCM.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất Bộ GTVT đứng ra điều phối dự án này. Bởi đây là công trình có quy mô lớn, qua nhiều địa phương. Riêng Long An và Vũng Tàu khái toán kinh phí dự án trên 10.000 tỉ đồng nên phải thông qua Quốc hội. Do đó, thành phố cho rằng cần một cơ quan chủ trì để đảm bảo đồng bộ.
Còn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị có thể giao cho Long An, địa phương có đoạn vành đai 4 TP.HCM dài nhất đi qua, chủ trì dự án. Việc các địa phương chủ trì cũng thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, kinh nghiệm làm vành đai 4 Hà Nội cho thấy các địa phương chủ trì sẽ thuận lợi hơn. Lý do: dự án cần sự tham gia của nhiều bộ ngành, Bộ Giao thông vận tải có liên quan nhưng không nhiều.
Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận giao tỉnh Long An chủ trì làm Vành đai 4 TP.HCM còn Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp thực hiện.