Chủ tịch EuroCham: Việt Nam là ngôi sao đang lên, nhưng đừng vội tự mãn

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:00, 22/04/2023

Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho rằng mặc dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn.

Thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi

Tại hội nghị với Thủ tướng ngày 22.4, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.

"Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới", ông Nitin Kapoor nói.

Ngoài ra, ông Nitin Kapoor nhận định thị trường bất động sản ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản, cân đối cung cầu. Đây cũng là thách thức cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Do đó, phản ứng của Việt Nam là rất kịp thời khi đã có nhiều chính sách để giải quyết những khó khăn, như kiểm soát vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.

“Chúng tôi tin rằng niềm tin của người dân sẽ được phục hồi, thị trường sẽ sớm quay trở lại như cũ”, ông Nitin Kapoor nói, đồng thời đề xuất cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

ni-tin.jpg
Ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam phát biểu

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho hay quý 1/2023, GDP chỉ tăng ở mức 3,32%, có phần không như kỳ vọng, và đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư trong sản xuất - lĩnh vực mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, cũng đã giảm mạnh. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.

“Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng doanh nhân nước ngoài cần cảm thấy sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam”, ông Hong Sun nói.

Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cho hay sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị về một số khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy...

“Tôi tin rằng nếu Chính phủ Việt Nam quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Hong Sun nêu.

dong-sun.jpg
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) phát biểu

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cũng nhận định nền kinh tế toàn cầu đã trải qua thời kỳ đầy bất ổn gần đây. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu và môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của EU cho thấy đà sụt giảm kinh tế đang tạo đáy và doanh nghiệp sẽ chứng kiến sự tích cực trong thời gian tới.

“Mặc dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng”, ông Gabor Fluit nêu.

Đẩy nhanh hoàn thiện và triển khai Quy hoạch điện 8

Ông Gabor Fluit cho hay các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này.

Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện 8.

“Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong KCN nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp. Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU”, ông Gabor Fluit nói.

Bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG (có trụ sở tại Munich, Đức) cho rằng năng lượng là nền tảng cho tất cả các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Về việc thu hút đầu tư các nguồn vốn cho phát điện, bà Antonia Zahn-Weber cũng cho biết có sự hỗ trợ từ nước Anh, "sự hỗ trợ của Anh giúp tạo ra các nguồn năng lượng xanh và các nhà máy sản xuất điện xanh của chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp khác".

dn.jpg
Các doanh nghiệp nước ngoài tham dự hội nghị

“Chúng tôi mong muốn mang những kinh nghiệm sản xuất của chúng tôi đến Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư hàng triệu euro vào hệ thống sản xuất điện năng lượng xanh”, bà Antonia Zahn-Weber nói.

Ông Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đề xuất, trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam nên đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện 8.

“Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hòa carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Đề nghị chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA)”, ông Michael Michalak nói.

Lam Thanh