Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM thiếu quỹ đất công nghiệp cho các dự án đầu tư lớn

Sự kiện - Ngày đăng : 16:00, 22/04/2023

Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 22.4.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, trong năm 2022, TP.HCM thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 4,33 tỉ USD. Trong đó, đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao chiếm khoảng 65%. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lãnh đạo TP.HCM thường xuyên tổ chức gặp gỡ các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án và thời gian tới sẽ tiếp tục việc này.

tphcm-1.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trong thu hút FDI có những hạn chế, như hệ thống hạ tầng giao thông, dịch vụ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Các chính sách ưu đãi dựa trên nền tảng của thuế kém hấp dẫn, cần phải có cách tiếp cận mới, nhất là khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đặc biệt, tại TP.HCM cũng đang thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút các dự án lớn, nhà đầu tư lớn cho các ngành nghề mới.

Nhận ra những hạn chế này, TP.HCM đang đẩy mạnh các dự án về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics và chuyển đổi năng lượng, tập trung tạo thêm quỹ đất nông nghiệp, hình thành khu công nghiệp mới. Đồng thời, điều chỉnh các khu công nghiệp hiện hữu, tập trung triển khai đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả hấp thụ vốn đầu tư.

Trước Thủ tướng và các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống, thực thi hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn, tiếp tục liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn vướng mắc kịp thời.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng có 5 kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cập nhật chiến lược chính sách quốc gia về thu hút FDI và sớm có kế hoạch, chính sách phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

"Đây là việc vô cùng quan trọng đối với thu hút đầu tư FDI", ông Mãi nói và kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, giấy phép lao động, thuế, phòng cháy chữa cháy, điện... mà các nhà đầu tư đã phát biểu.

Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ TP.HCM triển khai các cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành hỗ trợ TP.HCM hoàn thiện các điều kiện để tiếp nhận cũng như giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ vi mạch, bán dẫn, công nghệ sinh học, các trung tâm nghiên cứu, phát triển RD, dịch vụ logictis, dịch vụ ngân hàng cho TP.HCM.

Thứ tư, kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch các Khu công nghiệp, bổ sung vào danh mục quy hoạch 2 khu công nghiệp: khu công nghiệp Phạm Văn Hai I, II với diện tích khoảng 600ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Thứ năm, TP.HCM đã hoàn thiện và trình hồ sơ quy hoạch chung TP.Thủ Đức trong tháng 4, nếu được phê duyệt, trong quý 3/2023, TP sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.Thủ Đức phù hợp với quy hoạch.

“Nếu thuận lợi, trong quý 3 này sẽ được phê duyệt. Ngay sau đó, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.Thủ Đức để thực hiện quy hoạch này”, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm.

Tú Viên