Vì sao người ta thường thắp 3 nén nhang và khấn 3 lạy trước Phật đài, bàn thờ tổ tiên
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 19:34, 26/02/2017
>>Họ đã quên rằng Phật tại Tâm…
3 nén nhang, 3 cái vái lạy trước Phật là một hành động thể hiện sự tôn kính, hành vi tự nguyện đối với thần linh và cũng đại diện cho luật nhân quả logic.
Theo văn hóa tín ngưỡng của người Việt, thắp nhang cho bàn thờ Phật, ông bà, tổ tiên là một lòng thành tâm mong muốn những điều tốt đẹp, cầu mong sức khỏe, sự bình an, hạnh phúc và tài lộc đến với gia đình. 3 nén nhang và 3 lạy có ý nghĩa rất sâu xa, liên quan mật thiết đến văn hóa và niềm tin của người Việt.
Trong đạo Phật, việc thắp 3 nén nhang trước Phật tượng lần lượt mang ý nghĩa tương ứng với “giới, định, huệ”.
Nén hương thứ nhất được gọi là “giới hương” tức là trước mặt tượng Phật biểu đạt lòng quyết tâm của mình, từ bỏ thói quen xấu và ý nghĩ xằng bậy của mình.
Nén hương thứ hai được gọi là “định hương” là có ý hy vọng đối với bất kỳ sự việc nào xảy ra thì bản thân cũng có thể tĩnh được, bình tĩnh mà xử sự.
Nén hương thứ ba được gọi là “huệ hương” (hay “tuệ hương”) là có ý khẩn cầu bản thân có được trí tuệ, khai ngộ mà gặp được Phật tâm.
Theo đạo Phật thì “giới, định, huệ” là phương pháp “phá mê khai ngộ” và cũng là một loại quan hệ nhân quả.
Chỉ có từ bó thói quen xấu và ý nghĩ xằng bậy của bản thân thì tâm mới có thể định xuống được. Khi tâm đã định được rồi mới sinh ra kết quả “định sinh huệ”.
Như vậy, 3 vái này thứ nhất là là thể hiện cho tâm lễ kính Phật, thứ 2 là nguyện vọng mong muốn được giác ngộ, nguyện lòng hướng Phật và thứ 3 là trang nghiêm sám hối lỗi lầm của mình trước Phật.
Như vậy có thể thấy rằng, thắp hương và bái Phật không phải chỉ là hành động “theo thói quen” hay hành động “bề ngoài” mà chính là thể hiện cái tâm của con người. Cho nên, người xưa có câu “không thắp hương không bái lạy mà vẫn được phúc báo” chính là có ý nói rằng cái tâm của con người mới là yếu tố quan trọng nhất và được Thần linh nhìn thấy rõ.
Minh An