Tìm thấy bằng chứng ăn thịt đồng loại của người châu Âu cổ đại

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 13:43, 26/03/2017

Công trình nghiên cứu công bố trên Journal of Anthropological Archaeology, các nhà khảo cổ trong nhóm nghiên cứu của Juan V. Morales-Pérez ở Đại học Valencia đã công bố những bằng chứng về tục ăn thịt người ở Tây Ban Nha 10.000 năm trước.

Cuộc khai quật tại một hang động ở phía Nam Valencia, các nhà khảo cổ phát hiện 30 khúc xương người. Đó là những khúc xương thuộc về ít nhất là hai người lớn và một trẻ em, gồm xương sọ người lẫn trong đám xương của dê núi, nai, bò rừng, cáo và thỏ.

Trên xương người là dấu vết chế biến với công cụ bằng đá, chế biến qua lửa và vết răng cắn của con người. Phân tích bằng phương pháp phóng xạ carbon cho thấy những mẩu xương đó xuất hiện trong hang động ở các thời điểm khác nhau. Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tìm thấy một số lượng đủ các dấu hiệu cho thấy tục ăn thịt đồng loại.

Hiện chưa rõ điều gì khiến xảy ra hành vi ăn thịt đồng loại.

Các nhà khảo cổ không chắc rằng những người sống trong hang động khi đó phải đối mặt với nạn đói vì có nhiều xương của động vật còn sót lại chứng tỏ rằng không có chuyện thiếu thức ăn. Có lẽ đã xảy ra xung đột giữa một số nhóm văn hóa khác nhau.

Đây là bằng chứng đầu tiên về tập tính ăn thịt trong thời đại đồ đá giữa (Mesolithic) ở Tây Ban Nha nhưng ở các vùng khác của châu Âu và cận Đông, tục ăn thịt người đã được ghi nhận trước đó. Tục ăn thịt người đã được khẳng định trên một số phát hiện khảo cổ thời đồ đá cũ (Paleolithic) có độ tuổi từ 2,5 triệu đến 11.750 năm.

Các nhà nghiên cứu còn chưa rõ nguyên nhân của tục ăn thịt người châu Âu cổ đại là những gì: nạn đói hoặc yêu cầu nghi lễ chôn cất cổ xưa. Các dấu vết chế biến xương ở các hang động Santa Maria dường như cho thấy một thực tế rằng thịt người chỉ là thực phẩm. Xương người được xử lý cũng như xương động vật.

Có những dấu hiệu cho thấy tủy xương người đã bị móc ra. Những phần còn lại của bữa ăn được trộn lẫn vào đống xương của những con vật đã bị giết thịt. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng cùng với thời gian xương người chôn vùi cách xa riêng biệt có thể di chuyển dưới tác động của các lực lượng tự nhiên và trộn lẫn với xương động vật ở phía sau của hang động.

Do đó, các nhà khảo cổ chưa thể bác bỏ giả thuyết về tục ăn thịt người trong nghi thức tang lễ.

Vũ Trung Hương