Phát hiện sinh vật đa bào cổ xưa nhất

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 06:14, 27/04/2017

Theo Phys.org, một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra hóa thạch lâu đời nhất của sinh vật đa bào. Tuổi hóa thạch của một loại nấm này là 2,4 tỉ năm. Hóa thạch cổ xưa nhất này cũng thuộc nhánh tiến hóa trong đó có loài người trong khi tuổi của hành tinh chúng ta là gần 4,6 tỉ năm.
Loại nấm cổ xưa

Các chuyên gia cho rằng phát hiện này có thể buộc các nhà sinh học phải viết lại toàn bộ lịch sử các sinh vật đó, những loài sinh vật không thuộc hệ động vật cũng chẳng thuộc hệ thực vật. Các nhà khoa học hiện vẫn còn phải chứng minh đó là nấm và đó là một sinh vật đa bào.

Các hóa thạch được tìm thấy ở độ sâu 800m dưới lòng đất ở phía Bắc tỉnh Cape của Nam Phi khi nghiên cứu các dấu vết của bong bóng khí bị nung nóng trong nham thạch núi lửa và thấy những sợi nấm - cơ quan sinh dưỡng của thân nấm. Những sinh vật này đã tồn tại trong khoảng thời gian xảy ra thảm họa oxy - một sự thay đổi thành phần khí quyển của Trái đất trên quy mô toàn cầu, dẫn đến sự xuất hiện của oxy tự do.

Nấm sống dưới đáy biển trong các vết rạn nứt của nham thạch núi lửa. Các hệ sinh thái tương tự được liệt vào sinh quyển sâu (deep biosphere), mà khoa học vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ. Trước đây, các nhà khoa học đã tìm thấy các kết cấu bong bóng tương tự như chỉ có tuổi 50 triệu năm.

Theo các nhà khoa học, nấm cùng tồn tại với vi khuẩn, nấm sử dụng năng lượng hóa học của vi khuẩn phục vụ cho sự trao đổi chất của mình. Trong những điều kiện khan hiếm oxy, nấm không cần đến oxy cũng như không cần đến quang hợp.

Công trình nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution.

Vũ Trung Hương