NASA mất 1,8 triệu USD nếu không đòi được túi bụi mặt Trăng
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:04, 21/07/2017
Chiếc túi chứa đầy bụi Mặt Trăng của phi hành gia Neil Armstrong trong chuyến thám hiểm đầu tiên tới Mặt Trăng hồi tháng 7.1969 đã bị "nhầm" với các hiện vật khác, và được bán hớ trong một phiên đấu giá trực tuyến của chính phủ Mỹ hồi năm 2015.
NASA đã cố lấy lại hiện vật sau khi biết chính phủ Mỹ đã bán hớ túi bụi Mặt Trăng cho người phụ nữ. Tuy nhiên, một thẩm phán Liên bang hồi tháng 12 năm ngoái đã ra phán quyết rằng người phụ nữ đã mua hợp pháp túi bụi Mặt Trăng.
Hiện người mua lại túi bụi Mặt Trăng hôm 18.7.2017 từ chối cho biết danh tính thật của mình. Trước khi nhà đấu giá Sotheby bán hiện vật này, nó được định giá từ 2 đến 4 triệu USD.
Vụ bán hớ hiện vật quan trọng túi bụi Mặt Trăng được cho bắt nguồn từ một vụ bắt giữ hồi năm 2003, khi một người đàn ông ăn cắp và bán các hiện vật của bảo tàng, trong đó có một số món được mượn từ NASA.
Năm 2015, chiếc túi này đã được đem đi đấu giá và bà Nancy Carlson từ bang Illinois, đã trả 995 USD để mua một chiếc túi bình thường được may bằng vải Beta và polyester với dây kéo bằng đồng.
Carlson là một nhà sưu tập chuyên nghiệp nên biết được đây là một chiếc túi chuyên dụng được dùng trong các chuyến du hành vũ trụ, nhưng không biết đây là một chiếc túi vô cùng quý hiếm. Để chắc chắn, Carlson đã gửi chiếc túi đến NASA và yêu cầu xác minh danh tính của chiếc túi.
NASA ngay lập tức phát hiện ra đây là túi bụi Mặt Trăng của Neil Armstrong và quyết định giữ lại túi không trả cho bà Carlson.
Sau đó, NASA tuyên bố giải thích cho hành động của mình là túi hiện vật nói trên "thuộc về nhân dân Mỹ".
Vụ việc được đưa ra tòa giải quyết và thẩm phán J.Thomas Marten đã ra phán quyết ủng hộ bà Carlson, dù thừa nhận rằng kỷ vật này không nên bị bán cho công chúng, nhưng nó đã được bán hợp pháp. Ông Marten ra lệnh cho chính phủ Mỹ phải trả lại cho bà Carlson túi bụi Mặt Trăng.
Thẩm phán Marten nói rằng ông hiểu được mong muốn giữ lại kỷ vật quan trọng của NASA và tuyên dương các phi hành gia vì công sức của họ trong công cuộc khám phá vũ trụ. Tuy nhiên, món hàng đã được bán hợp pháp vì vậy mong muốn của NASA là sai.
Liên quan đến các di vật từ các chuyến bay lên Mặt Trăng, một nhóm gọi là For All Moonkind Inc. đã đề cập đến chiếc túi bụi Mặt Trăng nói trên để vận động cho "các biện pháp giữ gìn và bảo vệ 6 địa điểm hạ cánh của Apollo trên Mặt Trăng". Nhóm này dự định sẽ đưa ra kế hoạch hành động vào tháng tới tại Đại hội Starship năm 2017 ở California.
Chuyện này được chú ý bởi nhiều nhà quan sát khi mà một bản kế hoạch bay của Apollo 13 với các ký hiệu viết tay của ba thành viên phi hành đoàn đã được bán đấu giá trực tuyến với giá lên tới 275.000 USD, cao hơn mức giá định giá ban đầu là 40.000 USD rất nhiều.
Ái Vi