Tiền Giang: Nông dân vùng Đồng Tháp Mười khốn khổ bởi 'giặc' lục bình

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 22:00, 24/04/2023

Hiện người dân huyện Tân Phước rất khổ sở khi bèo lục bình xuất hiện dày đặc, bao phủ hầu hết mặt kênh mương. Việc thu hoạch và vận chuyển hàng nông sản của người dân đang gặp khó khăn.
lb-2.jpg
Nhiều kênh rạch ở huyện Tân Phước lục bình dày đặc - Ảnh: Mỹ Tho

Anh Bùi Hữu Thiện, người có nhiều ruộng khóm (dứa) tại các xã Hưng Thạnh, Thạnh Mỹ, Phú Mỹ, Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước), cho biết nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười rất bức xúc vì bị lục bình dày đặc "tấn công".

Theo anh Thiện, khi họ thu hoạch khóm và lúa, ghe xuồng không thể vào tận ruộng vì kênh mương bị phủ một lớp lục bình dày đặc. Người dân thu hoạch khóm phải mất thêm khoảng chi phí thuê xe nhỏ đem ra ngoài mới đưa lên xe tải chuyển đến nơi tiêu thụ. Đối với những hộ có diện tích khóm lớn thì chi phí thuê nhân công, thuê phương tiện vận chuyển ra ngoài không hề nhỏ.

lb-1.jpg
Ghe xuồng rất khó di chuyển trong đám lục bình dày đặc thế này - Ảnh: Mỹ Tho

Nguyên nhân xảy ra tình trạng lục bình xuất hiện quá nhiều trên mặt kênh rạch vùng này là do hồi tháng 2, phía đầu kênh Nguyễn Tấn Thành (xã Bình Đức, huyện Châu Thành) đắp đập tạm để ngăn không cho nước mặn vào sâu. Nguồn nước trong kênh rạch ở huyện Tân Phước không được lưu thông khiến lục bình sinh sôi nhanh, không xử lý kịp.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) cho biết, vùng này có rất nhiều kênh rạch hiện bị lục bình phủ gần hết. Vừa rồi xã đề nghị huyện cho trục vớt lục bình ở 11 tuyến kênh nhưng do kinh phí hạn chế nên mới hỗ trợ được 5 tuyến, số còn lại xã không có nguồn lực để trục vớt. Địa phương chỉ có thể vận động người dân trục vớt lục bình ở các tuyến kênh nhỏ.

lb-3.jpg
Đây là một vấn nạn đối với nông dân vì lục bình phát triển cực nhanh - Ảnh: Mỹ Tho

Theo ông Đỗ Thành Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang, giải pháp chính vẫn là tổ chức trục vớt lục bình bằng thủ công, cơ giới hoặc sử dụng máy cắt cây lục bình sau đó thu gom. Tuyệt đối không được dùng thuốc hóa học để phun xịt diệt lục bình hàng loạt vì sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và làm chết các loài thủy sản.

lb-4.jpg
Nông dân phải thuê xe chở lúa và khóm vào mùa thu hoạch - Ảnh: Mỹ Tho

Hiện tại, chính quyền và người dân huyện Tân Phước đang đối mặt với khó khăn do lục bình sinh sôi quá nhanh. Ngoài việc tổ chức trục vớt và chờ mở đập tạm ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành khi độ mặn trên sông Tiền giảm, chính quyền địa phương cũng cần tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xử lý "giặc" lục bình.

Mỹ Tho