Doanh nghiệp phản ánh thiếu thông tin về giải pháp chuyển đổi số
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:10, 25/04/2023
Trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngày 25.4, Bộ KH-ĐT phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức hội nghị công bố và kết nối trang vàng giải pháp chuyển đổi số.
Đây là bộ cơ sở dữ liệu về các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp đầu tiên và chính thức được công bố, góp phần quan trọng vào cung cấp thông tin, kết nối giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho hay chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng, tăng tiếp cận thị trường và sáng tạo thêm các giá trị, sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời giúp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác và kịp thời.
“Công nghệ số giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản địa lý để đưa sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Đây là điều mà trước đây rất khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở những địa bàn khó khăn”, ông Đông nói.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết Bộ KH-ĐT đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và trong giai đoạn đầu (2021-2022), chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức và đào tạo các kiến thức, kỹ năng nền tảng về chuyển đổi số, kết nối cung cầu trong chuyển đổi số. Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2023, chương trình sẽ tập trung vào hướng dẫn chuyên sâu, hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ USAID thông qua dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), chương trình đã được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn quốc và nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp.
“Đã có hơn 2 triệu lượt tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số; hàng nghìn doanh nghiệp tại gần 40 tỉnh, thành phố được đào tạo, tập huấn; hơn 200 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về lộ trình chuyển đổi số”, ông Đông nêu.
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, có hơn 40% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh một trong những khó khăn chính là thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số để doanh nghiệp có thể lựa chọn được giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy, trang vàng các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp tham khảo, lựa chọn được các giải pháp chuyển đổi số phù hợp, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trevor Hublin, Phó giám đốc Phòng Quản trị nhà nước và tăng trưởng kinh tế (USAID Việt Nam) cho rằng trang vàng giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp không chỉ là danh sách các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số, mà các nhà cung cấp giải pháp này đã cam kết đồng hành cùng chương trình, đưa ra những giải pháp ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Các DNNVV trên toàn quốc có thể dễ dàng tìm kiếm nhà cung cấp giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp mình. Đây chính là một ví dụ điển hình về những giải pháp bền vững mà Bộ KH-ĐT phối hợp với USAID cùng khu vực tư nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hành trình chuyển đổi số”, ông Trevor Hublin nói.
Trang vàng giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp là ấn phẩm giúp các doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp công nghệ số phù hợp khi thực hiện chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu các giải pháp chuyển đổi số trong yài liệu được rà soát, đánh giá và phân loại bởi chuyên gia của chương trình qua 3 bước:
Thứ nhất là tạo bộ tiêu chí và câu hỏi khảo sát; thứ hai là công bố rộng rãi mời các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số trên toàn quốc tham gia; thứ ba sàng lọc và đánh giá chi tiết tìm ra 40 doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số phổ biến cho doanh nghiệp.
Bốn nhóm nghiệp vụ các giải pháp chuyển đổi số được rà soát tại ấn phẩm bao gồm: Nhóm giải pháp chung cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề (56%); nhóm giải pháp sản xuất (14%); nhóm giải pháp hạ tầng và quản lý thông tin (10%) và nhóm giải pháp đặc thù (20%) của ngành y tế, xăng dầu, ngành vận tải và kho, ngành truy xuất nguồn gốc.