Cấy ghép chip 5 phút giúp người uống rượu suốt ngày đến bất tỉnh cắt cơn nghiện 5 tháng
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:17, 25/04/2023
Hôm 25.4, trang SCMP đưa tin người đàn ông họ Liu đã trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 5 phút vào ngày 12.4 tại Bệnh viện Não Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc, như một phần cuộc thử nghiệm lâm sàng do Hao Wei (cựu Phó chủ tịch Ủy ban Kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc) đứng đầu.
Hao Wei là chuyên gia nghiên cứu về cơ chế nghiện và lạm dụng chất gây nghiện tại Bệnh viện Tương Nhã thứ hai của Đại học Trung Nam.
Hao Wei và các đồng nghiệp của ông cho biết chip này dự kiến sẽ chống lại cảm giác thèm rượu trong tối đa 5 tháng.
Sau khi được cấy ghép, chip sẽ giải phóng naltrexone (chất thường được sử dụng trong điều trị nghiện để ngăn ngừa tái nghiện) được cơ thể hấp thụ và nhắm vào các thụ thể trong não.
Sống ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, Liu đã nghiện rượu được 15 năm. Sau khi uống trung bình khoảng nửa lít rượu Trung Quốc mỗi ngày, ông thường trở nên hung dữ.
Thói quen hàng ngày của Liu uống một chai rượu Trung Quốc trước bữa sáng rồi tiếp tục uống suốt cả ngày và đến tối cho đến khi bất tỉnh.
Li nói: “Bất cứ khi nào không có một chai rượu bên cạnh, tôi lại cảm thấy rất lo lắng”.
Liu cho biết ông hy vọng giờ đây có thể tận hưởng cuộc sống không rượu, tờ Xiaoxiang Herald đưa tin.
Naltrexone đã thay thế disulfiram, vốn là phương pháp điều trị nghiện rượu cho đến cuối thế kỷ 20.
Trong khi disulfiram gây tác dụng phụ khó chịu, bao gồm chóng mặt, buồn nôn và nôn, naltrexone nhẹ nhàng hơn và hoạt động bằng cách ngăn chặn cảm giảm thưởng thức thường được kích hoạt trong não khi uống rượu, giúp giảm khát rượu.
Một báo cáo năm 2018 của tạp chí y khoa The Lancet cho thấy Trung Quốc đứng đầu thế giới về số ca tử vong liên quan đến rượu. Trong năm 2017, đã có 650.000 ca tử vong như vậy ở nam giới và 59.000 ở nữ giới, báo cáo cho biết. Nam giới từ 45 đến 59 tuổi được cho là đối tượng tiêu thụ rượu nhiều nhất Trung Quốc.
Ngoài hàng loạt các vấn đề sức khỏe, rượu góp phần gây ra một số vấn đề xã hội ở Trung Quốc, từ tai nạn giao thông đến bạo lực gia đình.
Tình trạng nghiện rượu của Liu trở nên trầm trọng hơn trong 5 năm qua, gần như phá hủy cuộc sống và mối quan hệ của anh với những người thân thiết nhất.
Liu thường xuyên gây gổ với cha mẹ vì cảm thấy bị coi thường. Uống rượu cũng gây áp lực lên mối quan hệ của Liu với bạn gái vì ông tin rằng cô đã lừa dối mình.
“Tôi đã nhiều lần cố gắng cai nghiện rượu nhưng lần nào cũng thất bại”, Liu nói.
Việc uống rượu của Liu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đến mức ông được chẩn đoán mắc 24 bệnh lý, gồm cả rối loạn điện giải.
Liu nói rằng lần đầu tiên ông nhìn thấy cơ hội thoát khỏi vòng xoáy nghiện rượu khi biết rằng các bệnh viện địa phương bắt đầu thử nghiệm lâm sàng công nghệ và liệu pháp cấy ghép chip.
Zhou Xuhui, Giám đốc Bệnh viện Trung ương tỉnh Hồ Nam thứ hai, cho biết chip này giúp chống lại nhu cầu tâm lý về rượu của con người và có hiệu quả trong gần 5 tháng.
Zhou Xuhui hy vọng công nghệ trên có thể giúp mọi người cai nghiện các loại ma túy.
Liu ban đầu lo lắng về việc cấy ghép chip nhưng cho biết rất ngạc nhiên về quy trình này nhanh chóng và dễ dàng.
“Chỉ mất 5 phút và sau đó tôi nói lời tạm biệt với rượu”, Liu nói.
Câu chuyện này gây xôn xao và dẫn đến việc thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một người viết: “Chà, đó chắc chắn là một sự đổi mới đáng chú ý”.
“Nó có thể cai nghiện thuốc lá không? Tôi thực sự cần nó”, người khác thắc mắc.
Song bất chấp mức độ nghiêm trọng của tình trạng nghiện rượu ở Trung Quốc, một số cộng đồng trực tuyến đã đặt câu hỏi liệu có cần thêm quy định với các liệu pháp loại này hay không, khi có những lo ngại về việc ai có thẩm quyền thực hiện các ca phẫu thuật nhằm tác động đến hành vi của con người.
Cuối năm 2022, giới chức Anh bắt đầu tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 của liệu pháp sử dụng ketamine điều trị cho những người mắc chứng nghiện rượu.
Trước đó, kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy đa số người nghiện rượu nghiêm trọng đã có thể cai rượu trong vòng 6 tháng trở lên, sau khi thử nghiệm liệu pháp này có sự giám sát của nhân viên y tế.
Các nhà nghiên cứu cho biết ketamine có thể giúp người nghiện rượu tập trung và hoàn tất được các buổi trị liệu tâm lý, từ đó dần dần trở lại tỉnh táo.
Nghiện rượu trở thành vấn đề lớn tại Anh và nhiều nước trong giai đoạn hậu đại dịch, do ảnh hưởng của việc phải ở trong nhà và hạn chế giao tiếp xã hội thời gian dài.