7 lĩnh vực hưởng lợi từ việc sử dụng UAV

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:20, 26/04/2023

Máy bay không người lái (UAV) vốn là phát minh quân sự thực hiện cho các nhiệm vụ quá nguy hiểm với binh sĩ hoặc làm mục tiêu trong hoạt động huấn luyện.

Các thiết kế UAV trước đây rất to lớn, nặng nề và đắt đỏ. UAV đời cũ trông khá giống máy bay thông thường, chỉ khác biệt ở chỗ kích thước nhỏ hơn và được điều khiển từ xa.

Công nghệ phát triển khiến UAV ngày càng nhỏ gọn và giá thành rẻ hơn. Năm 2006, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) lần đầu tiên cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho máy bay không người lái dân dụng đầu tiên. Nhưng phải đến những năm 2010 loại thiết bị này mới trở nên phổ biến khi chúng có nhiều ứng dụng mới.

Tính đến năm 2023, tại Mỹ có 855.860 UAV được đăng ký, trong đó có 37% dùng trong hoạt động thương mại. Máy bay không người lái đem lại cuộc cách mạng cho không ít ngành nghề bằng cách nâng cao sự an toàn, cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả thu thập dữ liệu.

7uav00.jpg
UAV ra mắt năm 1951 - Ảnh: Bukvoed

Nông nghiệp

UAV dùng trong nông nghiệp thường được trang bị máy ảnh cùng cảm biến đa phổ có thể cung cấp hình ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao hỗ trợ theo dõi sức khỏe cây trồng.

Ảnh chụp nơi trồng trọt còn giúp nông dân xác định thay đổi của đất, vấn đề về tưới tiêu, sâu bệnh xâm nhập hay dấu hiệu bệnh tật khác ở cây trồng trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng.

Hình ảnh cũng có thể được sử dụng lập bản đồ 3D phục vụ công tác so sánh sự phát triển của cây trồng qua các mùa hoặc các năm, tính toán diện tích cần cho cây trồng hoặc vật nuôi, xác định độ ẩm cùng mức độ dinh dưỡng của đất… Tất cả dữ liệu đều giúp nông dân đưa ra quyết định nhanh hơn, sáng suốt hơn.

UAV chụp ảnh gia súc từ trên không để nông dân biết chúng ở đâu, tình trạng ra sao.

Nếu được trang bị thiết bị rải hạt giống, UAV có thể đem hạt đến khu vực mà cách thức truyền thống khó tiếp cận đồng thời đảm bảo chúng được rải chính xác.

Nếu được trang bị bình chứa, UAV đủ sức thực hiện nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón và nước.

Xây dựng

Tương tự như trong nông nghiệp, UAV dùng trong xây dựng có thể chụp ảnh giúp lập bản đồ 3D địa hình lẫn mô hình chi tiết công trình. Với dữ liệu này đội ngũ kỹ sư xây dựng kế hoạch và thiết kế công trình tốt hơn.

Lúc hoạt động xây dựng diễn ra, UAV có thể theo dõi thiết bị vận hành, chụp ảnh ghi nhận tiến độ, đem dụng cụ và vật liệu cho công nhân để họ không cần tự mình khuân vác. Máy bay cũng phụ trách kiểm tra độ ổn định và phát hiện khuyết tật sau khi công trình xây dựng xong.

7uav01.jpg
UAV rất hữu ích trong ngành xây dựng - Ảnh: iStock

Kiểm tra

Nhiều loại hình kiểm tra có thể được UAV hỗ trợ, giúp con người không phải đi vào những khu vực nguy hiểm.

Chẳng hạn ở lĩnh vực viễn thông, máy bay không người lái đủ khả năng kiểm tra tháp phát sóng di động nên nhân viên kỹ thuật không cần leo lên một công trình cao như vậy.

UAV thực hiện nhiệm vụ kiểm tra không chỉ bằng hình ảnh. Ví dụ trong ngành năng lượng, máy bay sẽ kiểm tra đường ống dầu khí bằng máy quay đa quang phổ và cảm biến hồng ngoại để phát hiện rò rỉ, ăn mòn hoặc hư hỏng khác mà mắt thường không nhìn thấy được.

Giao hàng

Dùng UAV giao hàng nay đã trở thành hiện thực. Wing (công ty con của tập đoàn Alphabet) năm 2019 được được FAA cấp phép hoạt động với tư cách đơn vị giao hàng bằng máy bay không người lái.

Đến năm 2021, dịch vụ Wing đạt mốc 100.000 chuyến hàng, không chỉ ở Mỹ mà còn ở Úc, Ireland và Phần Lan.

Hàng hóa giao bởi UAV chủ yếu là đồ ăn thức uống. Tuy nhiên, dịch vụ của Google từng giao sách cho trẻ em tại bang Virginia, máy bay của Zipline chuyển vật tư y tế đến các phòng khám ở khu vực xa xôi Rwanda.

Công nghệ UAV hiện tại vẫn còn hạn chế, đặc biệt về khối lượng hàng hóa có thể giao (chỉ khoảng 3kg), khoảng cách giao hàng trước khi hết pin (khoảng 3km), tìm khu vực hạ cánh an toàn, dễ bị điều kiện thời tiết ảnh hưởng, vấn đề an toàn.

7uav02.jpg
UAV giao hàng ngày càng trở nên phổ biến - Ảnh: PopSci

Giải trí

UAV chủ yếu được sử dụng chụp ảnh và quay phim các sự kiện như lễ hội âm nhạc hay trận đấu thể thao.

Chúng cũng góp mặt trong công nghiệp điện ảnh và truyền hình. Trước khi có UAV, các nhà làm phim phải dựa vào máy bay trực thăng hoặc bum (cần cẩu dùng để quay phim) rất tốn thời gian lẫn tiền bạc.

Không chỉ rẻ và dễ thao tác, UAV còn bay được trong không gian hẹp hơn và bay thấy hơn máy bay trực thăng nên cho ra nhiều thước phim sống động hơn.

Lập bản đồ và khảo sát

UAV giúp thu thập dữ liệu chính xác về địa hình, công trình và cơ sở hạ tầng. Dữ liệu có thể được sử dụng để lập bản đồ 2D hoặc 3D, mô hình kỹ thuật số cùng nhiều sản phẩm không gian địa lý khác.

Loạt sản phẩm không gian địa lý hữu ích cho quy hoạch đô thị, xây dựng, nông nghiệp, khai thác mỏ, quản lý môi trường…

UAV bao quát khu vực rộng hơn (kể cả khu vực khó tiếp cận) trong thời gian ngắn hơn – vượt xa đội ngũ khảo sát con người.

Tìm kiếm cứu hộ

Trong chiến dịch tìm kiếm cứu hộ, UAV có thể bay tầm thấp quan sát chi tiết cả một vùng rộng lớn nơi người gặp nạn đang bị lạc hoặc mắc kẹt.

Nếu tầm nhìn kém, lực lượng cứu hộ hoàn toàn có thể chuyển sang dùng máy ảnh nhiệt (gắn lên UAV) để phát hiện dấu vết nhiệt trong rừng cây, khối tuyết hay công trình sập.

UAV không bị giới hạn bởi tắc nghẽn giao thông hay địa hình hiểm trở. Một khi tìm thấy người gặp nạn, chúng sẽ vật tư hay thiết bị liên lạc cho họ, đồng thời gửi vị trí đến lực lượng cứu hộ.

Tổng kết

Tương lai của UAV đầy hứa hẹn, vì chúng đã được chứng minh giúp thực hiện nhiều công việc dễ dàng hơn, nhanh hơn, an toàn hơn. Điều cần làm là khắc phục hạn chế về công nghiệp.

Trong tương lai, UAV có thể lớn hơn để mạnh mẽ hơn, giao được hàng hóa nặng hơn, đồng thời cũng trở nên thông minh thậm chí hoàn toàn tự hành nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

Cẩm Bình