Bộ GTVT đề nghị đánh giá kỹ tác động của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:20, 26/04/2023
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 - 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 - 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.
Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa 1.322 - 1.589 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46 - 54 triệu TEU); hành khách từ 20,6 - 21,1 triệu lượt khách.
Như vậy, lượng hàng hóa (gồm hàng container) theo kết quả điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng so với lượng hàng dự báo tại Quyết định số 1579.
Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, đề án cần cập nhật số liệu dự báo hàng hóa mới, đánh giá năng lực thông qua, luồng hàng container đến, đi các bến cảng container khi lượng hàng container tăng theo số liệu dự báo.
Đồng thời, đề án cần đánh giá tác động của việc đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ đến quy hoạch và hoạt động các cảng biển tại khu vực, bao gồm phân tích, đánh giá kỹ ảnh hưởng đến phân bổ lượng hàng, luồng hàng, tuyến vận tải hàng hải của khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, đề án cần đánh giá tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của các khu bến cảng đã đầu tư, quy mô, lộ trình đầu tư các bến cảng, khu bến cảng đang hoạt động và được quy hoạch thời gian tới thuộc cảng biển TP.HCM như khu bến Cát Lái, Hiệp Phước… cũng như các bến cảng, khu bến cảng biển lân cận như Cái Mép - Thị Vải (cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu), khu bến cảng Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng).
Bộ GTVT đề nghị công tác phân tích thị trường, dự báo hàng hóa thông qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần dự báo rõ 2 loại hàng hóa gồm: hàng trung chuyển quốc tế (dự báo hoặc cam kết cụ thể về khối lượng, cơ cấu hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu mang về Việt Nam) và hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam qua cảng biển này.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, UBND TP.HCM cần lập, đề xuất kế hoạch triển khai từng giai đoạn của đề án; đề xuất ý tưởng thiết kế và sơ bộ hoạch định lộ trình quy hoạch theo từng giai đoạn phát triển Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ như: kích thước, công suất, khả năng tiếp nhận tàu và các tiện ích liên quan; sơ bộ phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho cỡ tàu lớn nhất qua sông Lòng Tàu phù hợp tĩnh không thông thuyền cầu đường bộ.
Liên quan tới kế hoạch đầu tư và tài chính, Bộ GTVT đề nghị đề án cần phân tích các nguồn tài chính có thể sử dụng, bao gồm vốn tư nhân và vay vốn từ các tổ chức tài chính và các nguồn vốn từ ngân sách cho hạ tầng ngoài hàng rào cảng.
Đề án cũng cần sơ bộ đánh giá môi trường và xã hội gồm tác động đến đất đai, nguồn nước, rừng ngập mặn và sinh thái khu vực. Từ đó, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng cường tác động tích cực đến môi trường và xã hội.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) do Tập đoàn MSC/TIL cùng đối tác Tổng công ty hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất. Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD.
Cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ sẽ tập trung vào phân khúc trung chuyển quốc tế; cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển khác, không cạnh tranh với các cảng Việt Nam hiện nay (chuyên hàng xuất nhập khẩu trong nước).