NASA tuyên bố hành tinh giống Trái Đất Proxima b không hỗ trợ sự sống
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:54, 01/08/2017
Theo NASA, bầu không khí tại Proxima b liên tục bị bắn phá cường độ cao bởi các bức xạ có hại, dẫn đến khó có sự sống nào có thể tồn tại.
Proxima b là hành tinh có kích thước gần giống Trái Đất, và là hành tinh có khoảng cách gần hệ Mặt Trời của chúng ta nhất (khoảng 4 năm ánh sáng).
Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn là quá xa đối với con người hiện nay, vì vậy các nhà khoa học quyết định mô phỏng các thông số mà chúng ta có về Proxima b trên máy tính để xem liệu hành tinh này có hỗ trợ sự sống hay không.
Một máy tính đã tính toán xem điều gì sẽ xảy ra với Trái Đất nếu hành tinh của chúng ta quay cùng một quỹ đạo với Proxima b quanh ngôi sao mẹ của nó là Proxima Centauri.
NASA công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters, cho thấy bầu khí quyển của chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu Trái Đất quay quanh Proxima Centauri, một ngôi sao lùn đỏ.
"Chúng tôi đã chọn hành tinh có sự sống duy nhất mà chúng ta biết là Trái Đất vào vị trí của Proxima b", Katherine Garcia-Sage, một nhà khoa học vũ trụ thuộc Trung tâm Không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland cho biết.
Trên thực tế, dù Proxima b nằm trong vùng sinh sống từ sao chủ của nó, không có nghĩa là sẽ có sự sống trên hành tinh này do sự sống được cấu thành từ rất nhiều yếu tố khác và phải đạt được tất cả các yếu tố thì mới có hy vọng tồn tại sự sống trên một hành tinh.
Sau khi áp các thông số của Trái Đất lên Proxima b, các nhà khoa học nhận ra rằng bầu khí quyển của hành tinh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sao chủ của nó thường xuyên bùng phát các tia bức xạ gây hại.
Các nhà khoa học tính toán rằng ở vị trí của Proxima b, hành tinh này phải nhận được lượng tia cực tím cao gấp hàng trăm lần so với mức Trái Đất đang nhận. Lượng năng lượng được tạo ra từ các tia bức xạ này làm loại bỏ các phân tử như Hydro, ô xy và ni tơ trong bầu không khí của Proxima b, theo NASA.
Chính vì vậy, theo nghiên cứu mới này cho thấy Proxima b làm mất số không khí trong bầu khí quyển của nó nhanh gấp 10.000 lần só với Trái Đất. Điều này dẫn đến việc khó có thể tồn tại một bầu khí quyển đủ dày để hỗ trợ sự sống trên hành tinh này.
"Mọi chuyện sẽ rất thú vị nếu một hành tinh ngoài Trái Đất giữ được bầu khí quyển của mình, nhưng tỉ lệ mất đi khí quyển của Proxima b quá cao, nên sự hỗ trợ sự sống của hành tinh này là bất khả thi", Jeremy Drake nhà thiên văn học thuộc Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Ái Vi