Thừa Thiên - Huế: Nhiều sự kiện văn hóa tạo điểm nhấn trước thềm 30.4

Du lịch - Ngày đăng : 10:30, 27/04/2023

Đến thăm Huế dịp này, du khách sẽ được tham gia nhiều sự kiện đặc sắc, có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa và lịch sử.

Cơ hội thăm Đại Nội Huế miễn phí

Chiều 26.4, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, để phục vụ người dân, du khách tham quan di tích và triển lãm cây kiểng, phong lan ba miền, đơn vị sẽ mở cửa miễn phí Đại Nội Huế vào ban đêm trong 3 ngày từ ngày 27 đến 29.4.

Theo đó, trong 3 tối kể trên, du khách và người dân được vào Đại nội Huế tham quan miễn phí theo hai lối cổng Chương Đức và Hiển Nhơn từ 19 - 22 giờ mỗi tối. Riêng ban ngày, du khách vào tham quan Đại nội Huế phải mua vé như thường lệ.

Triển lãm cây kiểng và phong lan ba miền được tổ chức tại khu vực Hoàng cung - Đại Nội Huế từ ngày 27.4 đến 2.5 trong khuôn khổ các chương trình lễ hội mùa hạ của Festival Huế năm 2023 với chủ đề “Kinh thành tỏa sáng”.

Trung tâm BTDT Cố đô Huế còn cho biết, triển lãm là dịp hội tụ các nghệ nhân cây kiểng và hoa phong lan ba miền cùng với các tác phẩm cây kiểng nghệ thuật, hoa phong lan tại không gian vườn Thượng uyển của Hoàng cung Huế.

Qua đó các nghệ nhân có dịp trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước về các tác phẩm cây kiểng và hoa phong lan tinh túy nhất, mang tính đặc trưng cho từng vùng miền.

Ngoài lễ khai mạc, tại triển lãm còn có chương trình tạo tác cây kiểng, cung tiến cây kiểng và hoa phong lan, trình diễn tay nghề, đấu giá tác phẩm, trao giải.

Khai trương "Điểm hẹn văn hóa"

Cũng chiều 26.4, “Điểm gặp liên văn hoá” đã được khai trương  tại địa chỉ 94-96-98 Bạch Đằng, TP.Huế. Địa điểm văn hoá trên do GS.TS Thái Kim Lan thành lập. Đây cũng là địa chỉ Lan Viên Cố Tích 2 ngoài Lan Viên Cố Tích 1 – Bảo tàng Gốm cổ sông Hương trên đường Nguyễn Phúc Nguyên.

“Điểm gặp liên văn hoá” là không gian sẽ diễn ra những hoạt động về hội hoạ, âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh, văn chương, văn học và cả triết học… nhằm tạo không gian cho văn nghệ sĩ giao lưu và sáng tác, giới thiệu tác giả và tác phẩm đến với công chúng. Không gian này cũng sẽ tạo nên sự kết nối liên văn hoá Huế và quốc tế, tạo nên diễn đàn văn học nghệ thuật, giao lưu văn hoá Đông – Tây.

“Điểm gặp liên văn hoá” cũng hướng đến những hoạt động hội nhập xã hội với các chương trình đồng hành cùng chính quyền địa phương gìn giữ không gian lịch sử của phố cổ Gia Hội, tạo ra sự lan toả về ý thức gìn giữ môi trường, môi sinh.

Khai trương bảo tàng tư nhân thứ 5

hue.jpg
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham vừa được khai trương

Chiều 24.4, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham – bảo tàng tư nhân thứ 5 trên địa bàn TP.Huế vừa khai trương đi vào hoạt động, đón công chúng và khách tham quan. Bảo tàng này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép hoạt động theo hình thức bảo tàng ngoài công lập. Không gian bảo tàng gồm tòa nhà 2 tầng và một phần bên ngoài sân vườn, với tổng diện tích khoảng 400 m2.

Tầng 1 là nơi trưng bày nghệ thuật pháp lam và bộ sưu tập vật dụng trang trí của Việt Nam, Nhật Bản và Pháp, với gần 200 hiện vật thủ công mỹ nghệ được chế tác vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, loại hình chủ yếu là đồ trang trí, đồ thờ, đồ gia dụng bằng các chất liệu đá, đồng, gỗ, giấy, vải, gốm sứ, pháp lam… với kỹ thuật chế tác thủ công tinh xảo, có nhiều giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật đặc sắc.

Tầng 2 là nơi trưng bày chủ đề nghệ thuật Phật giáo Á Đông, giới thiệu những tư liệu quý về lịch sử, văn hoá, mỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo. Ở đây có hơn 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và một số tư liệu Hán Nôm thời Nguyễn, phác họa bức tranh lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á và cả sự tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hoá khác nhau từ Đông sang Tây. Các hiện vật chất liệu đồng, bạc, ngọc, gỗ, gốm… thể hiện sự trường tồn và sức sống mãnh liệt của Phật giáo qua các giai đoạn, đồng thời phản ánh vị trí của Phật giáo đối với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Huế.

Quế Sơn