Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: DN gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng xanh
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:00, 27/04/2023
Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu
Tại tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 27.4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho rằng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới.
“Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 khẳng định mong muốn của Việt Nam đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, và công bằng về xã hội. Chúng ta cố gắng triển khai tốt mục tiêu về tăng trưởng xanh để không những đóng góp cho vấn đề chung của toàn cầu mà còn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là một thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề của toàn cầu”, ông Anh Tuấn nêu.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện phát triển bền vững bao trùm, trong đó có tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp FDI không chỉ giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức mà còn giúp tạo ra nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất; đồng thời hợp tác đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chung tay góp sức vì sự nghiệp tăng trưởng xanh chung này.
“Theo tính toán của chúng tôi, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỉ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt”, ông Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, đại diện Bộ KH-ĐT cũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.
“Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì bây giờ, các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của mình. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong việc cần phải thực hiện phát triển xanh, đầu tư xanh, ứng với một nền kinh tế xanh, xã hội xanh”, ông Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Chris Hogg - Phó chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé chia sẻ: “Thế giới này của chúng ta đã và đang gặp phải những tình huống khẩn cấp về mặt khí hậu và khi Việt Nam đã đặt ra mục tiêu là phát thải ròng bằng không thì chúng tôi cũng mong muốn trở thành một doanh nghiệp đạt phát thải bằng không”.
“Chúng ta cũng biết, 2050 có thể là một khoảng thời gian xa nhưng trong thời gian từ nay đến đó, chúng ta cũng cần những lộ trình, cột mốc. Chẳng hạn năm 2025 thì sẽ có phát thải ròng giảm 20%, đến 2030 giảm 50% và bằng không vào năm 2050. Đó cũng là một trong những vấn đề chúng tôi quan tâm”, ông Chris Hogg nói thêm.
Ngoài ra, ông Chris Hogg cũng cho hay, doanh nghiệp khuyến khích áp dụng những công nghệ về nông nghiệp tái sinh và có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon cũng như quá trình hấp thụ của khí quyển để tăng cường chất lượng của đất. Điều này sẽ thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động.
“Chúng tôi cũng mong muốn trong hoạt động của mình, các nhà máy, hệ thống các trung tâm phân phối của mình chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo những sản phẩm từ sinh khối. Ví dụ, các nhà máy của chúng tôi với những sản phẩm từ nồi hơi, trong quá trình xử lý chất thải và sản xuất, trong quá trình tiếp cận hậu cần, những phương pháp để pha chế… làm sao giảm thiểu phát thải carbon”, ông Chris Hogg chia sẻ.
Hàng loạt khó khăn
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn này có phần liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển, nuôi dưỡng đầu tư sản xuất, kinh doanh phục vụ cho mục tiêu phát triển xanh.
"Đối với khó khăn này, thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã chủ động tham mưu trình Chính phủ cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để dần hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ phát triển xanh. Nhưng điều đó là chưa đủ. Chính phủ sẽ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó, chúng ta cũng tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thực sự thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả trong việc sản xuất kinh doanh theo hướng xanh", ông Tuấn nêu.
Về phía doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng khó khăn đầu tiên là tư duy. Tư duy của doanh nghiệp về việc đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng xanh cho đến bây giờ chưa trở thành nhận thức tự thân, điều này cần phải thay đổi.
"Hiện nay có một xu thế tôi nghĩ sẽ đóng vai trò chủ đạo. Đó là đầu tư ảnh hưởng. Ở đây không phải đầu tư mục đính chính là lợi ích kinh tế mà mang lại lợi ích tổng thể, kể cả về môi trường xã hội. Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, cái quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức", ông Tuấn nói.
Khó khăn tiếp theo liên quan đến nguồn lực và công nghệ. Cái này các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế.
"Khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi biết rằng các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu thực hiện sản xuất xanh, đó là một yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn liên quan ESG. Đó là yêu cầu của các nền kinh tế phát triển như EU, Mỹ. Đáp ứng những yêu cầu đó thì các sản phẩm của mình mới tiếp cận được thị trường", ông Anh Tuấn nêu.
Theo đại diện Bộ KH-ĐT, một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp là nguồn nhân lực. "Cho đến giờ chúng ta vẫn đánh giá nguồn nhân lực bao giờ cũng đóng vai trò là trung tâm, chủ thể, động lực của sự phát triển, không chỉ của các quốc gia mà kể cả các doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đào tạo ra nguồn nhân lực thực sự chất lượng cao, đặc biệt có tư duy nhận thức trong việc thực hiện sản xuất kinh doanh theo hướng xanh", ông Anh Tuấn nêu và nhấn mạnh, nếu giải quyết được tất cả vấn đề đó, các khó khăn của doanh nghiệp sẽ được giải tỏa.