Hà Nội phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô: Bắc sông Hồng và tây Hà Nội

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:35, 27/04/2023

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai).

Đề xuất xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế

Phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP.Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Luật Thủ đô (sửa đổi) là các nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng "văn hiến - văn minh - hiện đại"; đồng thời, phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc phòng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển.

Đó là: (1). Trục không gian sông Hồng, lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; (2). Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; (3). Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; (4). Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; (5). Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía bắc như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ-TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị; đồng thời đề xuất một số sân bay trên địa bàn Thủ đô chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.

hn.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

“Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực của thành phố. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong Vùng Thủ đô bằng việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… kể cả đường bộ và đường sắt”, ông Dũng nêu.

Nghiên cứu các tiêu chí của "Thành phố kết nối toàn cầu"

Về Đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý một số nội dung như: Nghiên cứu các tiêu chí của "thành phố kết nối toàn cầu" tại mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2045, làm cơ sở đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đáp ứng các tiêu chí này; bổ sung, làm rõ hơn vai trò của kinh tế du lịch trong giai đoạn tới, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế và đề xuất phương hướng phát triển đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố…

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu bổ sung, nhấn mạnh hơn các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Về chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành, Bí thư Hà Nội yêu cầu cần nhấn mạnh chính sách ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Về danh mục các dự án trọng điểm, đề nghị bổ sung thêm yêu cầu trong nghiên cứu, đề xuất các công trình văn hóa, kiến trúc cảnh quan đặc sắc của thời đại để có kế hoạch đầu tư hiệu quả.

Đối với báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), lãnh đạo Hà Nội đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá rõ hơn cả về lý luận, thực tiễn và pháp lý; làm rõ được những yếu tố tác động, mặt tích cực, tiêu cực của từng phương án; qua đó so sánh, lựa chọn được phương án, giải pháp phù hợp nhất với đặc điểm, tình hình và vị thế của Thủ đô.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát các chính sách về đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, biên chế để bổ sung, hoàn thiện; trong đó lưu ý làm rõ nội hàm, cụ thể hóa các chính sách.

Đặc biệt là các cơ chế về tỷ lệ điều tiết ngân sách, cơ chế tài chính đất đai; cơ chế đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT); cơ chế cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; cơ chế tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (thành dự án độc lập); cơ chế, chính sách để xử lý, thúc đẩy các dự án chậm triển khai, nhất là các dự án được phê duyệt từ trước thời điểm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô…

Theo Kế hoạch đã đề ra, dự kiến 3 nội dung nêu trên sẽ cố gắng trình Bộ Chính trị vào những tháng cuối năm 2023.

“Thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, do đó, để đảm bảo tiến độ, Ban cán sự đảng UBND Thành phố cần phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân để bảo đảm công việc theo tiến độ đã đề ra”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Hoài Lam