Phát hiện 91 núi lửa khổng lồ tại Nam cực
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:37, 14/08/2017
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Edinburgh (Scotland) đã khám phá ra ngay bên dưới lớp băng ở Nam cực là những ngọn núi lửa khổng lồ, với ngọn cao nhất cao gần bằng núi Eiger ở Thụy Sĩ là 3.970 mét.
Theo Daily Mail, các nhà địa chất nói rằng nhóm núi lửa nằm ở phía nam Nam cực vừa được phát hiện có thể được xem là khu vực có mật độ núi lửa dày đặc nhất trên thế giới.
Chuyên gia về băng đá Robert Bingham, một thành viên của nhóm nghiên cứu nói rằng nếu những núi lửa nói trên "thức giấc" thì sẽ là một thảm họa khôn lường.
"Nếu một trong những núi lửa phun trào, nó có thể gây bất ổn cho các dải băng ở phía tây của Nam cực. Bất cứ thứ gì làm băng tan chảy - như vụ phun trào núi lửa - đều làm tăng tốc độ tan chảy của băng đá xuống biển", ông Bingham nói.
Theo các nhà khoa học, cần phải nhanh chóng điều tra mức độ nguy hiểm của những tác động nếu các núi lửa tại Nam cực tái hoạt động vì điều này là rất đáng lo ngại.
Các nhà khảo sát đã sử dụng công nghệ mới, bằng cách sử dụng radar xuyên băng để tạo bản đồ mặt đất bên dưới lớp băng vĩnh cửu tại Nam cực.
"Về cơ bản, chúng tôi đang tìm kiếm các bằng chứng về núi lửa bằng cách tìm các miệng núi lửa dưới băng", tiến sĩ Bingham giải thích cách nhóm của ông khảo sát.
Sau khi tổng hợp kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu của Đại học Edinburgh cho ra kết quả là có thêm tới 91 núi lửa tại Nam cực, cộng với 47 ngọn núi lửa khác đã được phát hiện trước đó.
Những ngọn núi lửa này tồn tại ở độ cao rất đa dạng, từ 100 tới 3.850 mét. Tất cả đều bị bao phủ bởi băng đá vĩnh cửu, có nơi dày lên tới 4 km.
Chưa hết, nhóm núi lửa mới vừa được tìm thấy còn mọc lên dày đặt ở khu vực rạn nứt Nam cực, biến khu vực này trở thành nơi có mật độ núi lửa lớn nhất thế giới.
Tiến sĩ Bingham lo ngại rằng nếu số núi lửa này phun trào, mực nước biển trên toàn thế giới sẽ tăng cao nhanh chóng trong một thời gian ngắn.
Ngược lại, các nhà khoa học cũng tin rằng nếu trái đất tiếp tục nóng lên, dẫn đến băng ở Nam cực tan chảy thì sẽ kích hoạt những ngọn núi lửa hoạt động. Điều tương tự đã xảy ra ở Bắc cực khi lớp băng ở đây tan chảy khiến các núi lửa ở Iceland và Alaska hoạt động mạnh trở lại.
"Chúng tôi không biết về lịch sử hoạt động của những ngọn núi lửa mới phát hiện này như thế nào. Nhưng khu vực có nhiều núi lửa phun trào nhất thế giới hiện nay là những vùng vừa mới mất lớp băng bao phủ tự nhiên kể từ khi kết thúc kỷ băng hà như Iceland và Alaska. Lý thuyết là nếu không có lớp băng trên đỉnh núi lửa, sẽ làm giảm áp lực đè lên chúng và chúng trở nên hoạt động tích cực hơn", ông Bingham nói.
Ái Vi