Đồng Tháp kết nối phát triển du lịch rồi sao nữa?

Du lịch - Ngày đăng : 06:46, 29/04/2023

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vị thế của du lịch Đồng Tháp có hay không là do con người làm nên, trái xoài không thể nâng vị thế du lịch của tỉnh được.

Tại hội thảo kết nối phát triển du lịch: “Nâng tầm vị thế du lịch nông nghiệp Đồng Tháp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt câu hỏi rằng, sau khi phát động người dân là du lịch nông nghiệp thì làm sao nữa? Phải có chiến lược, những bước tiếp theo để người nông dân làm du lịch cảm thấy không bị bỏ rơi, có tương lai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Trái xoài không thể nâng vị thế du lịch Đồng Tháp"

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khẩu hiệu của Đồng Tháp là nâng tầm vị thế du lịch. Vị thế của du lịch Đồng Tháp có hay không là do con người làm nên, trái xoài không thể nâng vị thế du lịch Đồng Tháp được.

z4303635106604_a3fd3575a8428260854e91029957491b(1).jpg
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo kết nối phát triển du lịch: “Nâng tầm vị thế du lịch nông nghiệp Đồng Tháp”vào chiều 28.4, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao – Du lịch (VHTT-DL) Đồng Tháp Ngô Quang Tuyên cho rằng: “Phát triển du lịch nông nghiệp là một chiến lược, không phải là một giải pháp tình thế". 

Cũng theo ông Ngô Quang Tuyên, so với các tỉnh trong khu vực, ĐBSCL du lịch sinh thái nông nghiệp ở Đồng Tháp bắt đầu khá muộn, vào cuối năm 2016. Thời điểm ban đầu là tự phát với 5 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm là chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tiếp đến, các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan.

Thành phố Cao Lãnh – Thủ phủ đất Sen hồng cũng đã xây dựng và phát triển được mô hình Làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ: du lịch sinh thái - ẩm thực.

z4303638612675_947a80f6551015183956a1e5dc86ea1c.jpg
Một điểm du lịch nông nghiệp ở xã Mỹ Xương, Cao Lãnh - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trong các mô hình du lịch cộng đồng, thành công nhất là mô hình các hộ trồng hoa ở Làng hoa Sa Đéc. Tuy xuất phát muộn nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan và đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp. Du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả.

Đồng Tháp còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới. Giai đoạn 2016 - 2022, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ một số lượng lớn (trên 4,3 triệu) lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Khang, đại diện một công ty du lịch lữ hành ở TP.HCM cho rằng, chúng ta có thể học hỏi về những kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc). Họ làm du lịch nông nghiệp rất chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên biệt và chế biến sâu. Khách du lịch đến với bán đảo này, ngoài niềm vui, thích thú, trải nghiệm họ còn rút ra được những triết sâu sắc.

z4303635453009_486726779373965b4bb8e76088ac7311.jpg
Tiến sĩ Phan Bảo Giang phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tiến sĩ Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing, Đại học Tài chính - Kế toán TP.HCM cho rằng, nên giáo dục du lịch nông nghiệp cho học sinh, sinh viên, những người làm chủ, làm du lịch trong tương lai.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Toàn cầu, (công ty chuyên chế biến cà phê và nông sản Việt) cho biết ông cũng người chế biến ra sản phẩm cà phê xoài. Theo ông Luận, Đồng Tháp cần quan tâm hơn nữa việc chế biến sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho du lịch nông nghiệp Đồng Tháp.

Nhà vườn Trần Thanh Hùng, ở xã Mỹ Xương, Cao Lãnh cho rằng, người Đồng Tháp hiện nay làm du lịch cũng nhờ sự gợi mở, chỉ đường của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể là Bộ trưởng Lê Minh Hoan lúc còn làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Du lịch nông nghiệp Đồng Tháp ngày nay phát triển cũng nhờ sự tác động của chủ trương, chính sách phát triển du lịch của tỉnh.

z4303638199290_14b0cf9e7064b833687f95bc341d1a36.jpg
Món gà nương thùng đất, món độc lạ ở xã Mỹ Xương, Cao Lãnh - Ảnh: Văn Kim Khanh

Phó giám đốc Sở VHTT-DL Ngô Quang Tuyên phân tích, bên cạnh những thành công, du lịch nông nghiệp ngày nay còn rất nhiều hạn chế cần khắc phục trên đường phát triển. Tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch nông nghiệp tại tỉnh mặc dù phát triển nhưng chủ yếu quy mô nhỏ.

Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho khách.

Các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch của tỉnh còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng tiếp thu còn hạn chế nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp.

Tính cộng đồng, đoàn kết của các hộ dân làm du lịch vẫn chưa cao, đôi lúc còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour – tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, làng nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ sen, đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng "đất sen hồng".

Phát huy tính liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường kết nối giữa chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp (đơn vị cung ứng) với các công ty lữ hành để tăng cường khả năng thu hút khách du lịch.

Văn Kim Khanh