Ý lãng phí nhân tài nhập cư

Quốc tế - Ngày đăng : 11:50, 29/04/2023

Hãng tin Reuters ghi nhận nhiều trường hợp người nhập cư có tay nghề và bằng cấp cao không tìm được công việc tương xứng tại Ý.

14 năm trước, Marilyn Nabor - giáo viên toán trung học giàu kinh nghiệm tại Philippines - chuyển đến Ý với hy vọng được trau dồi kiến thức ở đất nước sản sinh ra nhiều nhà toán học nổi tiếng như Galileo và Fibonacci.

Vậy mà giờ đây khi 49 tuổi, bà làm nhân viên buồng phòng và đã từ bỏ ý nghĩ quay lại với công việc trước đây. Nabor chia sẻ: “Đất nước này không công nhận văn bằng hay chương trình giáo dục Philippines. Tôi không được làm công việc chuyên ngành”.

Nhưng ngay cả khi lấy được bằng cấp tại Ý cũng chẳng giúp ích gì cho Abhishek (26 tuổi) - một người nhập cư đến từ Ấn Độ vừa lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật cơ khí Đại học Bách khoa Turin năm ngoái. Anh bị từ chối hàng loạt công việc vì vốn tiếng Ý ít ỏi trước khi tìm được việc tại Hà Lan - nơi anh có thể xoay sở với tiếng Anh.

2 trường hợp trên cho thấy một thực tế khó chịu là tại Ý có rất ít triển vọng phát triển cho lao động nước ngoài (dù họ đủ điều kiện hay không) vì nhiều yếu tố như giới hạn nghiêm ngặt về giấy phép lao động hay tiêu chuẩn quyền công dân cao.

Không như đa số quốc gia phương Tây, hiếm khi thấy người nhập cư tại Ý làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên hay bất cứ nghề kỹ năng cao nào khác. Đây là một tín hiệu nguy hiểm cho nền kinh tế trì trệ kinh niên với dân số già hóa đang trên đà sụt giảm.

italia.jpg
Lao động nhập cư làm việc trong một nhà hàng tại Milan - Ảnh: Reuters

Tháng trước, Eurostat - cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) - cho biết hơn 67% lao động ngoài EU tại Ý có trình độ cao hơn yêu cầu công việc, nghĩa là họ mắc kẹt trong các công việc đòi hỏi tay nghề trung bình hoặc thấp dù có trình độ đại học. Tỷ lệ trung bình của EU chỉ khoảng 40%, của Đức và Pháp khoảng 30 - 35%.

Giới chuyên gia kinh tế xác định Ý cần người nhập cư tay nghề cao để giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề. Thế nhưng nước này lại khác biệt với phần lớn Bắc Âu, tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi tại công sở dù là ngôn ngữ toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Ý, phần lớn trong số 5 triệu cư dân nước ngoài đang thất nghiệp hoặc làm việc tay nghề thấp như giúp việc gia đình, nhân viên nhà hàng khách sạn, công nhân nhà máy, công nhân xây dựng, nhân viên bán hàng.

Lãng phí nhân tài

Dữ liệu Eurostat cho thấy GDP Ý từ đầu thế kỷ 21 đến nay hầu như không tăng, năng suất lao động giai đoạn 1995 - 2021 chỉ tăng 0,4% mỗi năm - chưa bằng 1/3 năng suất trung bình EU.

Giáo sư xã hội học Filippo Barbera (Đại học Turin) cho biết các đời chính phủ Ý suốt hàng thập kỷ không khai thác được tay nghề của người nhập cư và thúc đẩy họ tham gia lực lượng lao động, mà thay vào đó lại xem họ là vấn đề đáng báo động.

Tháng qua, chính phủ Thủ tướng cánh hữu Giorgia Meloni ban bố tình trạng khẩn cấp về nhập cư khi dòng người di cư qua Địa Trung Hải tăng mạnh. Nữ lãnh đạo còn tuyên bố sẽ tăng số kênh nhập cư hợp pháp.

Thủ tướng Meloni bác bỏ ý kiến cho rằng lao động nhập cư giúp Ý giải quyết các vấn đề kinh tế. Theo bà, thu hút thêm nữ giới tham gia lực lượng lao động và tăng tỷ lệ sinh mới là ưu tiên.

Chính phủ đương nhiệm dự định năm 2023 chỉ cấp khoảng 83.000 giấy phép lao động - chưa đủ 1/3 trong số 277.000 trường hợp xin cấp.

Hơn một nửa số giấy phép lao động được cấp sẽ dành cho công việc thời vụ, đa số giấy phép còn lại cho công việc tay nghề thấp chẳng hạn như công nhân nhà máy. Chỉ 1.000 giấy phép dành cho lao động tay nghề cao có bằng cấp tại quốc gia của họ.

Gustavo Garcia - thạc sĩ xã hội học 39 tuổi người Venezuela - sống tại Ý 4 năm, làm các công việc như giao đồ ăn, sơn nhà, làm vườn. Bằng thạc sĩ 5 năm tại Venezuela của ông bị hạ cấp thành bằng cơ bản 3 năm tại Ý nên giờ đây Garcia phải học lại để “bù đắp” đủ 2 năm.

Oussama - người nhập cư đến từ Morroco, đến Ý lúc còn là thiếu niên và vừa tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học năm ngoái. Anh từng trải qua 6 tháng xin việc thất bại, phải làm công việc phổ thông sau khi lấy bằng thạc sĩ.

“Tôi làm đủ mọi công việc như làm ở chợ, phát tờ rơi quảng cáo. Tôi sẵn sàng nhận công việc như vậy một lần nữa để nuôi sống gia đình”, Oussama chia sẻ. Hiện anh đang thực tập tại một công ty phát triển hệ thống an toàn nơi công sở.

Cẩm Bình