Phải chăng, số mệnh các thiên tài, văn nghệ sĩ kiệt xuất là chết trẻ?
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 12:43, 24/09/2017
Sao không phù hợp sống trường thọ, khỏe mạnh?
Thông tin về cái chết của Stevie Ryan được công bố trên các báo, sau khi phía cảnh sát có kết luận từ văn phòng pháp y.
Stevie Ryan nổi tiếng nhờ loạt video năm 2006 có tên "Little Loca", cô đóng giả các siêu sao thế giới. Sau loạt video này, Stevie Ryan được mời tham gia loạt phim hài mang tên riêng "Stevie TV", phát sóng hai mùa trên VH1. Cô cũng hoạt động nghệ thuật sôi nổi và con đường nổi tiếng của Stevie Ryan trở thành cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ. Họ bắt đầu chú ý đến YouTube, tạo dựng tên tuổi bằng sản phẩm mạng trước khi bước ra đời thực.
Với một người bình thường thì tỷ lệ tử vong do máy bay rơi là 1/5.000.000, còn những nghệ sĩ trong nhóm mà tạp chí Rolling Stone liệt kê ra dưới đây thì tỷ lệ trên nhảy vọt lên 1/84: Buddy Holly, Otis Redding, và Ronnie Van Zant của ban nhạc Lynyrd Skynyrd tất cả đều chết trong tai nạn máy bay khi đi biểu diễn. Phải chăng việc trở thành ngôi sao là không phù hợp với một cuộc sống trường thọ và khỏe mạnh? Liệu có những điều kiện nhất định nào đó có thể là tác nhân gây ra cái chết của các ngôi sao? Và cuối cùng, lý do cơ bản cho những cái chết sớm này là gì?
Các bác sĩ đã phân tích hơn 252 cá nhân đã được tạp chí Rolling Stone khảo sát để tạo nên danh sách 100 nghệ sĩ vĩ đại nhất trong kỷ nguyên rock & roll.
Khám nghiệm tử thi của huyền thoại nhạc rock Prince mới đây đã xác định rằng, nghệ sĩ này chết do sử dụng quá liều thuốc ngủ tổng hợp fentanyl. Tin tức cũng ập đến ngay sau cái chết của tay trống cựu thành viên nhóm Megadeth, Nick Menza, người đã ngã quỵ trên sân khấu và chết cách đây không lâu. Dường như trước khi chúng ta kịp vơi đi nỗi buồn về sự ra đi của một ngôi sao nhạc pop thì lại có thêm một người khác ngã xuống. Không ít những nghệ sĩ tạo nên các cuộc cách mạng trong âm nhạc đã ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ như Michael Jackson, Elvis Presley, hoặc Hank Williams.
Tham vọng dẫn đến việc chết sớm?
Có nhiều người đã khám phá ra căn nguyên phía sau những cái chết sớm ấy.
Một câu trả lời có thể đến từ tuổi thơ bất thường: trải qua việc bị đánh đập hoặc lạm dụng tình dục, có cha mẹ bị trầm cảm, hoặc có sự chia ly của gia đình bởi thảm kịch hay là ly hôn. Tạp chí Y khoa Anh quốc đã phát hiện ra rằng “tuổi thơ bất hạnh” có thể là động cơ để trở nên thành công và nổi tiếng vì đó là một cách để vượt qua bi kịch tuổi thơ. Các tác giả đã lưu ý sự gia tăng tỷ lệ những trường hợp có tuổi thơ bất hạnh trong số những nghệ sĩ nổi tiếng. Thật không may, trải qua tuổi thơ bất hạnh cũng làm cho họ có khả năng mắc trầm cảm, sử dụng ma túy, có hành vi nguy hiểm và chết sớm.
Trong “Thuyết Tự hủy diệt”, lý giải vấn đề động lực của con người thông qua lăng kính khát vọng “nội tại” so với “hướng ngoại” trong cuộc sống. Những người có mục tiêu hướng nội sẽ tìm đến hạnh phúc nội tâm và sự mãn nguyện. Mặt khác, những người sở hữu mục tiêu hướng ngoại sẽ tập trung vào thành công về vật chất, danh tiếng và sự giàu có – là những thứ mà những nghệ sĩ phi thường này đạt được. Căn cứ vào nghiên cứu, những người có mục tiêu hướng ngoại sẽ ít liên hệ với cha mẹ và có nhiều khả năng phải trải qua những đợt trầm cảm.
Nhiều nghiên cứu cũng tìm hiểu về ranh giới giữa thiên tài sáng tạo và bệnh thần kinh thông qua nhiều phương pháp. Họ bao gồm các nhà văn (Virginia Woolf và Ernest Hemingway), các học gỉả (Aristotle và Isaac Newton), các nhà soạn nhạc cổ điển (Beethoven, Schumann, và Tchaikovsky), các danh họa (Van Gogh), các nhà điêu khắc (Michelangelo), và các thiên tài âm nhạc đương thời.
Chuyên gia về tâm thần học Arnold Ludwig, trong một phân tích tổng hợp đối với hơn 1.000 người, phân tích ấy có tên “Cái giá của sự vĩ đại: Giải đáp cho tranh cãi về sự sáng tạo và sự điên loạn,” kết luận rằng, các nghệ sĩ, so với những ngành nghề khác, có rất nhiều khả năng mắc những bệnh về tâm lý, và có thiên hướng sẽ chịu đau khổ do chúng gây ra trong một khoảng thời gian dài hơn.
Trong khi đó, William Frosch chuyên gia về tâm thần học ở Đại học Cornell, tác giả cuốn “Tâm trạng, sự điên loạn, và âm nhạc: Những ảnh hưởng to lớn của bệnh tật và sự sáng tạo âm nhac),” lý giải, có thể liên hệ sự sáng tạo của các nghệ sĩ tạo nên trào lưu mới trong âm nhạc với chứng rối loạn tâm thần của họ. Theo Frosch, những căn bệnh tâm thần là nhân tố đằng sau những sản phẩm sáng tạo của họ.
Quá trình khảo sát cũng đã xác nhận một tỷ lệ lớn của sự rối loạn tâm trạng trong số 100 ngôi sao nhạc Rock vĩ đại. Có rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự trầm cảm, bệnh rối loạn lưỡng cực (hay bệnh hưng phấn-trầm cảm) và những chẩn đoán có liên quan, thường đi đôi với sự gia tăng rủi ro chết sớm, tự sát và nghiện ngập.
Bằng việc lần theo những mối liên hệ giữa những tài năng thiên phú với các bệnh về tâm lý, giữa các bệnh về tâm lý với việc lạm dụng thuốc, và sau đó là giữa việc lạm dụng thuốc, vấn đề sức khỏe với cái chết bất ngờ, bạn có thể thấy vì sao rất nhiều nghệ sĩ vĩ đại dường như có số phận là một cái chết sớm hay nghiện ngập ma túy dẫn đến cái chết.
Rất nhiều tai nạn
Tới giờ, 82 trong 252 nhân vật ưu tú ở danh sách trên đã chết.
Có sáu vụ giết người, chúng xảy ra với nhiều lý do, từ ám ảnh tâm thần dẫn đến việc bắn chết huyền thoại John Lennon cho đến việc lên kế hoạch để “thủ tiêu” ca sĩ nhạc rap Tupac Shakur và Jam Master Jay. Vẫn có rất nhiều tranh cãi xung quanh vụ Sam Cooke bị bắn bởi một nữ quản lý khách sạn (có khả năng cô này đã bảo vệ một gái làng chơi ăn cắp đồ của Cooke). Al Jackson Jr, tay trống lừng danh của Booker T & the MGs, đã bị bắn ở phía sau năm phát vào năm 1975 bởi một tên trộm trong một vụ án vẫn còn là ẩn số đối với những người có thẩm quyền.
Một tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng những nghệ sĩ ấy dường như gặp quá nhiều tai nạn. Có rất nhiều tai nạn về việc dùng thuốc quá liều – Sid Vicious của ban nhạc Sex Pistols chết vào tuổi 21, David Ruffin của nhóm Temptations ở tuổi 50, Rudy Lewis của ban The Drifters chết lúc 27 tuổi, và ngôi sao nhạc đồng quê vĩ đại Gram Parsons được tìm thấy chết lúc 26 tuổi.
Nhậu nhẹt, hút sách và những cú sốc
Người thường, trên tổng số ca tử vong thì những bệnh liên quan về gan chiếm tỉ lệ 1.4%. Còn 100 nghệ sĩ vĩ đại nhất trong danh sách của Rolling Stone thì tỷ lệ này tăng lên ba lần.
Khả năng điều trên liên quan đến việc gia tăng sử dụng rượu, ma túy trong giới nghệ sĩ. Ung thư ống dẫn mật rất hiếm gặp nhưng lại xảy ra đối với hai người trong nhóm 100, đó là Ray Manzararek của nhóm The Door và Tommy Ramone của Ramones đều chết sớm bởi căn bệnh ung thư mà bình thường chỉ ảnh hưởng đến một trong 100.000 người mỗi năm. Phần lớn những người trong danh sách Rolling Stone được sinh vào những năm 1940 và trưởng thành vào những năm 1960, đó là lúc mà thói quen hút thuốc lá đạt đỉnh điểm. Nên cũng không ngạc nhiên khi có tỷ lệ lớn các nghệ sĩ chết do ung thư phổi: George Harrison của The Beatles chết vào năm 58 tuổi, Carl Wilson của nhóm Beach Boys chết 51 tuổi, Richard White của nhóm Pink Floyd chết 65 tuổi, Eddie Kendricks của nhóm The Temptaions ra đi khi 52 tuổi, và Obie Benson của nhóm the Four Tops tử vong khi 69 tuổi. Ung thư vòm họng – cũng liên quan tới việc hút thuốc – đã gây ra cái chết của danh ca nhạc đồng quê vĩ đại Carl Perkins lúc 65 tuổi và Levon Helm của nhóm The Band cũng ra đi vào tuổi 71.
Câu lạc bộ 27 gồm: Robert Johnson, Brian Jones, Jimi Hendrix, Janis Joplin, Jim Morrison, Kurt Cobain và Amy Winehouse tất cả đều chết năm 27 tuổi.
Những nghệ sĩ trong danh sách trên bị đau tim, suy tim, như Ian Stewart của nhóm Rolling Stones bị bệnh ở tuổi 70, và các huyền thoại nhạc blue, Muddy Waters đổ bệnh khi 71 tuổi, Howlin Wolf khi 65 tuổi, Roy Orbison mất năm 52 tuổi, và Jackie Wilson ra đi năm 49 tuổi.
Chúng ta chứng kiến Glenn Frey của nhóm The Eagles không chống chọi nổi với bệnh viêm phổi, cũng như ca sĩ nhạc soul Jackie Wilson ra đi năm 49 tuổi. James Brown đã than vãn về chứng ho sặc sụa dai dẳng và suy giảm sức khỏe trước khi qua đời ở tuổi 73 do viêm phổi.
Hiện tại, Mỹ đang trong đại dịch lạm dụng thuốc ngủ, với heroin và việc sử dụng thuốc được kê đơn quá liều xảy ra ở các mức độ cao chưa từng có trong lịch sử. Nhưng đối với các ngôi sao nhạc rock, lạm dụng thuốc ngủ thì không có gì mới mẻ. Elvis Presley, Jimi Hendrix, Janis Joplin, Sid Vicious, Gram Parsons, Whitney Houston (người không được đưa vào danh sách), Michael Jackson và bây giờ là Prince tất cả đều chết vỉ sử dụng thuốc ngủ quá liều.
Thành viên của các ban nhạc huyền thoại khác như The Who (John Entwistle ra đi khi 57 tuổi, và Keith Moon lúc 32 tuổi), The Doors (Jim Morrison chết lúc 27 tuổi), The Byrds (Gene Clark chết khi 46 tuổi, và Micheal Clarke tử vong khi 47 tuổi) và The Band (Rick Danko mất khi 55 tuổi, và Richard Manuel mất lúc 42 tuổi) tất cả đều ra đi do rượu hoặc ma túy….Rượu, ma túy gây ra ít nhất một trong 10 trường hợp tử vong của nghệ sĩ.
Nguyễn Hưng (Theo LA, Theconversation)