Kế hoạch 'thuộc địa hóa' sao Hỏa đầy tham vọng của Trung Quốc
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:15, 22/09/2017
Năm ngoái, người Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch sao Hỏa 2020 của mình, trong đó phóng tàu vũ trụ và đưa một robot tự hành lên thăm dò hành tinh Đỏ.
Nhưng năm nay, các nhà khoa học nước này đã cho thấy chi tiết hơn về một kế hoạch đầy tham vọng nhằm chinh phục sao Hỏa của họ.
Zhang Rongqiao, một nhà khoa học không gian hàng đầu của Trung Quốc cho hay nước này muốn trở thành quốc gia cùng lúc khám phá từ quỹ đạo và trên bề mặt của sao Hỏa trong một sứ mạng không gian duy nhất.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ phóng một tàu không gian lên thăm dò sao Hỏa, tàu này sẽ gồm 3 bộ phận là tàu không gian, tàu đổ bộ và nhóm robot khảo cứu.
"Tàu đổ bộ sẽ tách ra khỏi tàu vũ trụ sau khi kết thúc hành trình 7 tháng và hạ cánh xuống một vị trí ở vĩ độ thấp của bán cầu bắc của sao Hỏa, nơi mà các robot khảo cứu sẽ khám phá bề mặt sao Hỏa", Tân Hoa Xã cho biết.
Tàu đổ bộ sẽ mang theo 13 modul, trong đó có 6 robot thăm dò, dù các thông tin ban đầu trước đây cho biết chỉ có 1 robot thăm dò mà thôi.
Theo China Daily, tàu vũ trụ vẫn sẽ tiếp tục sứ mạng và theo dõi "bầu khí quyển" của sao Hỏa và giám sát "các chỉ số hóa học chính" của hành tinh này.
Ông Zhang cho biết trong một cuộc hội thảo về kế hoạch thăm dò vũ trụ, Mặt trăng của Trung Quốc là kế hoạch thăm dò của chính phủ nước này "đang diễn ra suôn sẻ".
"Sao Hỏa không chỉ phục vụ cho tương lai của robot hoặc con người. Nghiên cứu sự tiến hóa của hành tinh này có thể giúp chúng ta trả lời một số câu hỏi vũ trụ học có thể tác động sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta", ông Zhang cho hay.
Tàu thăm dò sao Hỏa này dự kiến sẽ được phóng trên một tên lửa vũ trụ Long March-5 tại một sân bay vũ trụ ở đảo Hải Nam. Trung Quốc dự kiến sẽ gửi tàu thăm dò sao Mộc vào năm 2036 và sao Thiên Vương vào năm 2046.
Kế hoạch chinh phục vũ trụ của Trung Quốc thật sự là rất tham vọng khi từ trước tới nay chỉ có Liên Xô và Mỹ thành công trong việc phóng tàu thăm dò tới sao Hỏa, và trên thực tế cũng chỉ có Mỹ là thành công trong việc đưa robot thăm dò bề mặt của hành tinh Đỏ.
Trung Quốc hiện đang xây một căn cứ vũ trụ mô phỏng hành tình Đỏ ở một vùng hẻo lánh phía tây bắc của nước họ với kinh phí lên tới 400 triệu nhân dân tệ. Căn cứ này nhằm để thực hiện các nghiên cứu xây dựng các trại định cư trên sao Hỏa, cũng như thu hút khách du lịch quốc tế.
Hồi đầu năm, tại Bắc Kinh cũng khai trương một "cabin vũ trụ", nghiên cứu tác động của cuộc sống gò bó 200 ngày đối với các tình nguyện viên sống bên trong cabin nói trên.
Thiên Hà