NATO lo ngại Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 13:20, 04/05/2023
Phát biểu trước báo giới, trợ lý Tổng thư ký NATO về Tình báo và An ninh, ông David Cattler cho biết Nga đang “tích cực lập bản đồ” cơ sở hạ tầng của các đồng minh Ukraine trên đất liền và dưới đáy biển.
“Các cơ quan tình báo quân sự và dân sự của Moscow có nguồn lực đáng kể để giám sát cơ sở hạ tầng của phương Tây. Các tuyến cáp ngầm dưới biển mang 95% lưu lượng truy cập Internet cũng có nguy cơ gặp rủi ro”, ông nói.
Theo quan chức NATO, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu và có khả năng là Bắc Mỹ có thể trở thành mục tiêu của Nga như một phần của động thái đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
“Người Nga đang hoạt động tích cực hơn những gì chúng ta thấy trong lĩnh vực này thời gian qua. Tần suất các cuộc tuần tra của họ ở khắp Đại Tây Dương ngày càng tăng”, ông Cattler nói.
Các mối đe dọa đối với các tuyến cáp và đường ống dưới biển đã trở thành tâm điểm chú ý sau hàng loạt vụ nổ chưa rõ nguyên nhân hồi tháng 9 năm ngoái làm tê liệt hoạt động của đường ống Nord Stream 1 và 2, được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua Biển Baltic.
Sau vụ nổ, NATO đã thành lập một đơn vị phối hợp để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển. Người đứng đầu nhóm mới, trung tướng Hans-Werner Wiermann cho rằng sự cố Nord Stream đã cho thấy “mối nguy hiểm rõ ràng mà cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển của NATO đang phải đối mặt”.
Ông Wiermann nhấn mạnh sự phụ thuộc của phương Tây vào cơ sở hạ tầng ngày càng tăng khi luồng dữ liệu qua các tuyến cáp dưới biển ngày càng phát triển. Ông tiết lộ NATO đã tăng cường tuần tra hải quân để đối phó với mối đe dọa, và quân đội các nước thành viên đang phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà quản lý cơ sở hạ tầng tư nhân để củng cố an ninh.
“Chúng tôi đã tăng cường các hoạt động cảnh giác và giám sát. Chúng tôi đã tăng đáng kể số lượng tàu tuần tra Biển Bắc và Biển Baltic. Nhưng chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa”, ông Wiermann nói.
Na Uy, quốc gia đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu vào năm ngoái, cho biết họ đang theo dõi “chặt chẽ” hoạt động của Moscow trong vùng biển của mình, nơi có hàng chục giàn khoan dầu khí và đường ống quan trọng đối với nguồn cung cấp năng lượng của phương Tây.
Trợ lý Tổng thư ký NATO Cattler nói rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng có thể được Moscow coi là một cách để “làm gián đoạn cuộc sống của người dân phương Tây và giành được đòn bẩy đối với những quốc gia đang hỗ trợ cho Ukraine”.
“Cáp Internet được coi là một lỗ hổng cơ sở hạ tầng quan trọng. Rất ít người nhận thức được mức độ phụ thuộc chung của chúng ta với số lượng cáp quang hạn chế vốn tạo thành xương sống cho hệ thống Internet toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 400 cáp quang truyền tải Internet trên thế giới và một nửa trong số chúng được đánh giá rất quan trọng. Chúng giúp thực hiện các giao dịch tài chính trị giá khoảng 10 nghìn tỉ USD mỗi ngày. Những dây cáp này thực sự là một mấu chốt kinh tế”, ông Cattler nhấn mạnh.