Đưa công nghệ AI vào hàng trăm ứng dụng, OpenAI tiếp tục tăng tốc để bỏ xa các đối thủ

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:44, 04/05/2023

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của OpenAI hiện đã được đưa vào hàng trăm ứng dụng. Đó là một trong những chìa khóa quan trọng giúp các công ty và nhà phát triển của họ làm việc hiệu quả hơn.

Công ty mới nhất sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI là Superhuman, cung cấp ứng dụng email được nhiều người chờ đợi.

Superhuman vừa phát hành trợ lý viết thông minh được xây dựng trên chatbot ChatGPT của OpenAI, có thể soạn thảo email từ các lời nhắc ngắn, sửa lỗi chính tả và ngữ pháp, thậm chí viết lại tin nhắn bằng cách hành văn của người gửi dựa trên các email trước đây của họ. Superhuman đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ này vào tuần trước và hiện có sẵn cho một nhóm dùng thử.

Rahul Vohra, người sáng lập và Giám đốc điều hành Superhuman, nói với trang Insider: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang trên đỉnh của một sự chuyển đổi lớn. Theo cách tôi đánh giá, không quá lời khi nói điều này tương đương với smartphone và chính mạng internet. Chúng ta sẽ chứng kiến mọi thứ thay đổi”.

Sự hợp tác giữa OpenAI và Superhuman gợi ý về tương lai không xa, nơi phần lớn phần mềm mà mọi người sử dụng có một lớp AI ẩn. Điều này có nghĩa là các phần mềm sẽ được tích hợp các khả năng của AI mà người dùng không biết hay nhận thức được.

Một số công ty đã làm điều đó. Ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo cho phép người dùng nhập vai với một chatbot. Công cụ tìm kiếm Perplexity trả lời các câu hỏi bằng ngôn ngữ thông thường, vì vậy người dùng không cần phải mở nhiều liên kết để tìm điều muốn biết. Công ty khởi nghiệp Jasper tạo ra bản sao tiếp thị trong nháy mắt. Mỗi hãng này đều dựa vào các nhà cung cấp, gồm cả OpenAI, để tăng sức mạnh cho các khả năng của mình.

Sản phẩm chủ lực của OpenAI là các mô hình ngôn ngữ lớn, nói một cách đơn giản nhất là các hệ thống có thể học hỏi từ việc xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và phản hồi các yêu cầu cơ bản. Vào năm 2020, OpenAI đã phát hành sản phẩm thương mại đầu tiên: Một công cụ cho phép các nhà phát triển tích hợp các mô hình của mình vào sản phẩm riêng.

Hiện có nhiều ứng dụng soạn thảo email, trả lời khách hàng và lướt web đều sử dụng mô hình này. "Hiện tại, các sản phẩm AI trên thị trường về cơ bản chỉ là phiên bản được dán nhãn trắng của ChatGPT (sử dụng sản phẩm từ OpenAI nhưng đặt tên riêng cho sản phẩm của mình - PV)", nhà báo Casey Newton viết.

dua-cong-nghe-ai-vao-hang-tram-ung-dung-openai-tiep-tuc-tang-toc-de-bo-xa-cac-doi-thu.jpg
Superhuman vừa phát hành trợ lý viết thông minh được xây dựng trên công nghệ của OpenAI - Ảnh: Insider

OpenAI đang liên kết với một số công ty nổi tiếng nhất từ Thung lũng Silicon, gồm cả Snap, Instacart, Shopify, và tính phí cho dịch vụ của mình.

Các nhà phát triển phần mềm có thể tự xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng làm như vậy có thể mất nhiều năm phát triển, yêu cầu kỹ sư đặc biệt và nhiều triệu USD chi phí tính toán. Thay vào đó, nhiều hãng thuê một mô hình từ nhà cung cấp bên thứ ba, giống như cách trả tiền cho Amazon Web Services để lưu trữ dữ liệu và Stripe để xử lý thanh toán.

Đó là những gì nhân viên Notion đã làm. Notion cung cấp ứng dụng quản lý công việc và ghi chú với giao diện đa năng, cho phép bạn tạo ra các trang ghi chú và cơ sở dữ liệu để tổ chức công việc cá nhân hoặc nhóm.

Ivan Zhao và Simon Last, hai trong số những người sáng lập Notion, đã cùng nhau tạo ra nguyên mẫu cho một trợ lý viết văn bản có thể giúp mọi người viết, động não, chỉnh sửa và tóm tắt các ghi chú của họ chỉ bằng một lần nhấn phím. Họ đã phát hành công cụ này ở phiên bản alpha riêng tư chỉ vài tuần sau đó.

Theo Akshay Kothari, người đồng sáng lập thứ ba và là Giám đốc điều hành Notion, tính năng này được tạo nên rất nhanh vì Notion không cần phải tự đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn. Thay vào đó, họ tìm kiếm và sử dụng các công cụ từ bên thứ ba như OpenAI và Anthropic để tích hợp vào ứng dụng của Notion. Điều này cho phép công ty tập trung vào điều mà họ làm tốt nhất: Xây dựng các sản phẩm tinh tế mang lại niềm vui cho người dùng.

"Chúng tôi thấy mình thật may mắn khi có thể hợp tác với OpenAI, một phần vì họ đã cho thế giới thấy những gì có thể và có thể đã truyền cảm hứng cho chúng tôi phát triển sản phẩm của mình", Akshay Kothari nói với Insider.

Tốc độ là chìa khóa giúp OpenAI bỏ xa Google và các đối thủ trong cuộc đua AI

Giữa tháng 3, OpenAI đã ra mắt các plugin cho phép ChatGPT được tích hợp vào nhiều ứng dụng như Klarna, Expedia, Slack, Instacart, Shopify, Snap...

Không chỉ là phương tiện để mở rộng tập dữ liệu cho ChatGPT, động thái này chỉ ra OpenAI đang tích cực như thế nào trong tham vọng phát triển và trở thành người dẫn đầu lĩnh vực generative AI.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

OpenAI đang đặt nền tảng để cho mọi người sử dụng ChatGPT trong cuộc sống hàng ngày, bất kể họ muốn sử dụng chatbot AI này để làm gì cho công việc và giải trí. Quan trọng hơn, OpenAI muốn làm điều này nhanh hơn đối thủ của mình.

Trong khi Google, Amazon và nhiều công ty khác đã tham gia vào cuộc đua generative AI, OpenAI rõ ràng đang đặt cược vào tốc độ của mình để có lợi thế trong cuộc chiến giành thị phần trước những đối thủ lớn hơn.

dua-cong-nghe-ai-vao-hang-tram-ung-dung-openai-tiep-tuc-tang-toc-de-bo-xa-cac-doi-thu1.jpg
Google và các đối thủ hiện khó theo kịp OpenAI về generative AI - Ảnh: Internet

Nhiều người biết đến OpenAI nhờ vào sự thành công nhanh chóng của ChatGPT. Chatbot AI này đã khởi động cơn sóng tranh luận về tương lai của công việc, đạo đức AI và thay đổi động lực của lực lượng lao động công nghệ.

OpenAI được thành lập vào năm 2015 bởi Sam Altman (giám đốc điều hành hiện tại), Elon Musk và những người khác. Elon Musk rời khỏi hội đồng quản trị OpenAI vào năm 2018 và từ đó trở thành nhà phê bình gay gắt với công ty cũ. OpenAI bắt đầu như một tổ chức phi lợi nhuận nhưng gây tranh cãi khi chuyển đổi thành tổ chức có lợi nhuận vào năm 2019.

Vài năm qua, OpenAI âm thầm phát hành các công cụ và mô hình AI, bao gồm cả DALL-E (biến lời nhắc văn bản thành hình ảnh). Sau khi phát hành ChatGPT vào tháng 11.2022, OpenAI đã trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều. ChatGPT quá phổ biến đến nỗi đã kích hoạt đợt đầu tư lớn khắp ngành về generative AI.

OpenAI đã nhanh chóng tận dụng thành công của ChatGPT. Trong vài tháng qua, OpenAI đã công bố mối quan hệ hợp tác hàng tỉ USD với Microsoft để đưa mô hình ngôn ngữ lớn GPT lên công cụ tìm kiếm Bing, sau đó ra mắt phiên bản ChatGPT Plus tính phí 20 USD/tháng, cập nhật lên GPT-4 và gần đây là giới thiệu cửa hàng plugin.

Tốc độ như vậy chứng minh các công ty như Google hiện khó theo kịp OpenAI và nhiều cuộc trò chuyện trong ngành hướng đến ý tưởng rằng ChatGPT có thể làm suy giảm thị phần công cụ tìm kiếm.

Tham vọng của OpenAI rất rõ ràng: Muốn trở thành cái tên hàng đầu trong lĩnh vực AI và những công ty khác chỉ có thể theo sau.

Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman không ngại cường điệu sản phẩm của mình. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi công ty di chuyển mạnh mẽ hơn nhiều đối thủ cạnh tranh. Chu kỳ phát hành sản phẩm hoặc dịch vụ của OpenAI có xu hướng nhanh hơn so với hầu hết đối thủ. Cách tiếp cận này có một số ưu điểm, vì những công ty khác hiện phải theo kịp OpenAI thay vì ngược lại.

Google đã nhanh chóng phát hành Bard - đối thủ cạnh tranh với ChatGPT, mà một số người nói là quá nhanh. Thế nhưng, những người dùng ban đầu nói rằng Bard thiếu sự mạnh mẽ như ChatGPT. Các công ty khác đang tung ra các mô hình ngôn ngữ của riêng họ và ngay cả bản thân Elon Musk cũng muốn xây dựng một chatbot AI để thách thức công ty cũ của mình.

Chuyển động nhanh là chiến lược của OpenAI. Giờ đây, khi các cấu trúc cơ bản của ChatGPT và DALL-E đã được xây dựng, công ty có thể tập trung vào cải tiến và làm cho chúng mạnh mẽ hơn. Phần lớn quá trình cải thiện các mô hình AI của OpenAI là cho phép kết nối với nhiều nguồn dữ liệu hơn.

Việc cho phép các thương hiệu như Instacart và Shopify kết nối với ChatGPT giúp OpenAI không chỉ xem cách mô hình ngôn ngữ hoạt động với các yêu cầu mới trong thời gian thực để đưa vào dữ liệu đào tạo, mà còn đưa công nghệ này vào trung tâm của các ứng dụng phổ biến.

OpenAI cho biết có kế hoạch sớm đưa các plugin đến với nhiều nhà phát triển hơn.

Lịch sử ngành công nghệ xuất hiện đầy những nhà tiên phong có ý tưởng đúng nhưng sau đó bị đẩy ra ngoài bởi đối thủ lớn hơn hoặc sáng tạo hơn. Song, OpenAI không đợi đến lúc đó. Công ty có trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ) muốn tiến nhanh với tham vọng vượt xa việc cải tiến ChatGPT và các mô hình AI khác. Chiến lược đó dường như đang thành công.

Sơn Vân