CEO Apple dè dặt khi nói đến AI mặc kệ Google, Microsoft, OpenAI gây ồn ào

Thế giới số - Ngày đăng : 16:50, 05/05/2023

Tim Cook cho biết rằng làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đang lan rộng trong ngành công nghệ, song Giám đốc điều hành Apple tỏ ra thận trọng khi nói về cách AI sẽ được triển khai tại công ty của mình.

"Việc tiếp cận những điều này phải được suy nghĩ và cân nhắc thận trọng", Tim Cook nói trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh của công ty hôm 4.5.

Ông tương đối dè dặt khi đưa ra ý kiến về AI dù các đối thủ của Apple hướng đến generative AI theo cách ồn ào.

Sau khi ChatGPT của OpenAI trình làng cuối tháng 11.2022 và gây bão internet, Microsoft tích hợp công nghệ đằng sau chatbot này vào công cụ tìm kiếm Bing cùng nhiều sản phẩm khác, còn Google trình làng Bard.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Tim Cook nói rằng Apple đã tích hợp học máy và AI vào một số sản phẩm của mình. Tỷ phú 62 tuổi người Mỹ nhận thấy tiềm năng của AI để tiến xa hơn là "rất lớn".

Nói về việc sử dụng AI của Apple, Tim Cook đề cập đến các tính năng như "phát hiện rơi" trên các mẫu Apple Watch và "phát hiện tai nạn" trên một số thiết bị Apple khác, gồm cả dòng iPhone 14.

"Những thứ này không chỉ là tính năng tuyệt vời mà còn cứu sống được nhiều người. Chúng tôi xem AI là lĩnh vực rất lớn và sẽ tiếp tục tích hợp nó vào sản phẩm của mình một cách cẩn thận", ông chia sẻ.

Nhận xét này lặp lại lời Tim Cook tại buổi báo cáo kết quả kinh doanh trước đó của Apple hồi tháng 2, trong đó ông cũng khẳng định AI có tiềm năng to lớn.

Tim Cook cho biết Apple không bình luận về các kế hoạch sản phẩm trong tương lai của mình và chỉ đề cập đến AI rất ít so với các đối thủ công nghệ. Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 gần đây, Meta Platforms, Alphabet, Microsoft và Amazon đã nhắc đến từ AI tổng cộng 168 lần.

Ở cuộc gọi với các nhà phân tích tài chính Phố Wall kéo dài khoảng 1 giờ, Tim Cook chỉ trả lời một câu hỏi về AI và dành vài phút để nói về chủ đề này.

tim-cook-de-dat-khi-noi-den-ai-mac-ke-google-microsoft-openai-gay-on-ao.jpg
Không như giám đốc điều hành các hãng công nghệ lớn khác, Tim Cook thận trọng khi nói về cách AI sẽ được triển khai tại Apple - Ảnh: Internet

Sam Altman - Giám đốc điều hành OpenAI là một trong số những người lo ngại về các hướng đi tiềm năng của generative AI. Hồi tháng 3, Sam Altman nói rằng ông lo lắng về khả năng lan truyền thông tin sai lệch của công nghệ này.

Lý do Apple có thể đứng ngoài cuộc chiến AI

Sự phấn khích toàn cầu xung quanh ChatGPT khiến nhiều hãng công nghệ vội vàng phát triển sản phẩm tương tự chatbot AI của OpenAI. Thế nhưng, Apple dường như đứng ngoài cuộc đua AI đang ngày càng khốc liệt.

Apple, Microsoft, Google và Amazon là 4 trong số những công ty giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, Apple, công ty giá trị nhất trong số đó (2,62 ngàn tỉ USD), dường như chưa có câu trả lời cho những gì sắp tới với AI.

Theo tờ Bloomberg, hội nghị thượng đỉnh AI nội bộ mà Apple tổ chức vào tháng 2 khi máy học và triển khai công nghệ khác trên các sản phẩm của công ty được thảo luận, nhưng không có gợi ý nào về generative AI.

Theo trang Insider, Apple từ lâu đã đưa AI vào các sản phẩm như camera của iPhone, tính năng SOS và trợ lý ảo Siri. Tim Cook từng nói rằng AI “sẽ ảnh hưởng đến mọi sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi có”.

Nhà phân tích Dan Ives của công ty Wedbush Securities nói: “AI là cuộc chạy đua của Big Tech với khoản chi phí dự kiến lên tới 1.000 tỉ USD trong 10 năm tới. Những thông báo của Microsoft và Google sẽ đẩy nhanh việc Apple phát triển các chiến lược AI”.

Dan Ives cũng chỉ ra rằng Apple đã chi khoảng 10 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển AI. Ông hy vọng Apple sẽ đưa ra những thông báo quan trọng liên quan đến công nghệ này khi công bố sản phẩm mới vào mùa hè này.

Dù vậy, Apple hiếm khi được biết đến là hãng dẫn đầu về AI và có xu hướng đợi cho đến khi người tiêu dùng bắt đầu yêu cầu một số công nghệ nhất định.

Nhà phân tích Tom Forte của hãng DA Davidson cho rằng việc công bố trực tiếp một sản phẩm AI hào nhoáng không phải là phong cách của Apple. Thay vào đó, công ty sẽ tích hợp các ứng dụng AI vào nền tảng của các sản phẩm hiện có.

Là một trong những công ty lớn nhất thế giới, Apple chắc chắn đang làm gì đó với AI nhưng sẽ không ồn ào như ChatGPT. Khi sử dụng AI, Apple sẽ làm nhiều hơn thế để nâng cao công nghệ của mình”, Tom Forte nhận định.

Các chuyên gia cho rằng Apple cần phải cải thiện nhiều về AI. Ví dụ, trợ lý giọng nói Siri của Apple thường bị coi là kém Alexa của Amazon hay Google Assistant. Trong khi tính năng nhắn tin khẩn cấp của Apple Watch thường cảnh báo sai.

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất mà Apple cần giải quyết. Kể từ năm 2021, Apple đã phải đối mặt với những vấn đề khá nghiêm trọng về chuỗi cung ứng khi phải trì hoãn việc giao iPhone 14 Pro. Apple cho biết việc đa dạng hóa các quy trình chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thập kỷ.

Mục tiêu của Apple là thuyết phục người dùng sử dụng thiết kế và hệ sinh thái trong sản phẩm. Thế nhưng, điều đó có thể không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư.

Là một nhà đầu tư, tôi tin rằng Apple đang sử dụng AI trong nhiều mục đích sử dụng khác nhau để nâng cao công nghệ hiện có của mình. Thế nhưng, AI cũng không phải là lý do duy nhất khiến người tiêu dùng mua các sản phẩm của Apple”, Tom Forte nói.

Để cạnh tranh trong cuộc đua AI mới này, các công ty cần có các cụm máy tính lớn mạnh mẽ được thiết kế riêng, có giá hàng trăm triệu USD. Các dịch vụ đám mây không phải là điểm mạnh nhất của Apple hiện tại, vì người đứng đầu bộ phận đó sẽ rời đi. Apple đang tập trung các nguồn lực vào tai nghe thực tế hỗn hợp dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6.

Chắc chắn AI của Apple đã được cải thiện đều đặn và công nghệ này được đưa vào nhiều bộ phận hơn trên các thiết bị của công ty. Chẳng hạn, những cải tiến máy ảnh gần đây như kiểu chụp ảnh và khả năng tách đối tượng ra khỏi hình ảnh đều dựa vào AI. Ô tô tự lái là một dự án AI của Apple, trong khi tai nghe thực tế hỗn hợp sẽ tận dụng AI để xử lý trực tiếp môi trường xung quanh người đeo và tạo ra các hình đại diện thực tế.

Lý do lạc quan có thể là Apple không cần tham gia vào cuộc chiến AI. Bất cứ ai thắng, có lẽ họ sẽ chỉ cung cấp dịch vụ của mình dưới dạng ứng dụng trong cửa hàng Apple. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu AI phát huy hết tiềm năng, như dự đoán Lý Khai Phục (Cựu Chủ tịch Google Trung Quốc), và trở thành nền tảng hậu di động? Lý Khai Phục nhận thấy sự phát triển nhanh chóng với AI là thứ mà bạn xây dựng các sản phẩm và dịch vụ trên đó.

Apple nên nhìn vào lịch sử của chính mình. Trong những ngày đầu của iPhone, Apple đã đánh bại Nokia và BlackBerry không phải bằng cách chế tạo bàn phím vật lý tốt hơn mà loại bỏ hoàn toàn bàn phím này. Điều đó cũng đúng với những mối đe dọa đến đế chế kinh doanh của Apple ngày nay. Chúng sẽ không đến từ Xiaomi hoặc Samsung Electronics, hai hãng sản xuất các sản phẩm cạnh tranh với iPhone, mà là cách người dùng tương tác với công nghệ đang thay đổi nhanh, tập trung vào các dịch vụ AI dựa trên đám mây.

Sam Altman và OpenAI đạt được thành tựu đáng kể với ChatGPT vì khiến nhiều người dùng tò mò như chưa từng thấy, điều ít ai bên ngoài Apple làm được. Điều gì có ý nghĩa với Apple trong dài hạn sẽ do công ty quyết định. Daniel Zhang, Giám đốc điều hành Alibaba, từng nói gần đây rằng tất cả hãng công nghệ đều "ở điểm khởi đầu giống nhau".

Sơn Vân