WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì COVID-19
Thông tin Y học - Ngày đăng : 07:50, 06/05/2023
Dù tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, nhưng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc nhở COVID-19 vẫn còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Một số quan chức khác của tổ chức cũng kêu gọi các quốc gia suy ngẫm về bài học rút ra từ đại dịch.
“Chúng ta không thể quên những giàn thiêu, những ngôi mộ được đào vội. Không ai trong chúng ta quên chúng”, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật WHO về COVID-19 phát biểu.
WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì COVID-19 vào ngày 30.1.2020. Tỷ lệ tử vong của bệnh đã giảm từ hơn 100.000 người/tuần (tháng 1.2021) xuống còn hơn 3.500 người/tuần (ngày 24.4.2023) nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi, năng lực điều trị nâng cao cùng số người có miễn dịch vì mắc bệnh gia tăng.
Chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu sẽ kéo theo loạt nỗ lực hợp tác hoặc tài trợ quốc tế liên quan đến COVID-19 chấm dứt hoặc chuyển trọng tâm. Tuy nhiên giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp WHO Michael Ryan lưu ý: “Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn còn nhiều điểm yếu có thể bộc lộ khi vi rút khác xuất hiện, do đó cần được khắc phục”.
Hiện tại WHO chưa chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là đại dịch – thuật ngữ được dùng từ tháng 3.2020.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đại dịch đã qua. Nền kinh tế lớn nhất thế giới dần dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong nước đối với COVID-19. Tiêm chủng và xét nghiệm sẽ không còn miễn phí.
Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 4.2022 nhận xét giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc. Một số khu vực khác cũng thực hiện bước đi tương tự.