Bộ Công Thương lý giải vì sao tăng giá điện năm 2023 là cần thiết

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:54, 06/05/2023

Việc điều chỉnh giá điện năm 2023, theo Bộ Công Thương là cần thiết. Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bộ Công Thương lý giải việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết. Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống, trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thế giới có tần suất và biên độ ngày càng lớn theo chiều hướng gia tăng.

tang-gia-dien.jpg

Tiết kiệm năng lượng được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cụ thể, trong chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã ký kết thỏa thuận với trên 97% khách hàng sử dụng điện với số lượng dưới 3 triệu kWh/năm; ký kết thỏa thuận với trên 94% khách hàng sử dụng điện với số lượng trên 3 triệu kWh/năm; phối hợp xây dựng mô đun dự báo phụ tải đối với nhóm khách hàng có lượng sử dụng điện khoảng 1 triệu kWh/năm.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố gồm: chi phí phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ... trong đó chi phí phát điện chiếm tỷ trọng lớn nhất - theo tính toán khoảng hơn 83%, trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, các khâu còn lại chiếm tỷ trọng gần 17% (theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN). Thông số đầu vào tính toán giá bán lẻ điện bình quân trong 4 năm vừa qua đã có nhiều biến động so với thông số đầu vào để xác định giá bán lẻ điện bình quân tại thời điểm 20.3.2019, đặc biệt nếu so giá nhiên liệu tại thời điểm năm 2022, 2023 so với các năm trước đó.

Trước tác động trên thế giới và các yếu tố cung cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao. Chi phí nhiên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, do đó đã làm cho chi phí phát điện tăng theo.

Cụ thể, giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân trong khoảng từ 34,7% đến 46,4% so với giá than pha trộn bình quân từng loại than năm 2021; giá than nhập khẩu năm 2022 cũng tăng mạnh so với năm 2021, theo chỉ số giá than nhập NEWC Index năm 2022 tăng 163% so với bình quân năm 2021. Giá than tăng cao dẫn đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than cũng tăng cao.

Giá dầu quốc tế HSFO (dùng để xác định giá khí thị trường) bình quân năm 2022 tăng 27,3% so với bình quân năm 2021, đặc biệt ở thời điểm tháng 4.2022 thì giá dầu HSFO bình quân tăng 72,2% so với bình quân năm 2021, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy tua bin khí.) Giá nhiên liệu thế giới tăng và tỷ giá biến động làm chi phí mua điện của EVN tăng cao. Giá đầu vào cho sản xuất điện, tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản, khách quan tác động vào chi phí sản xuất điện.

Về cơ cấu sản lượng điện phát năm 2022, Bộ Công Thương lý giải, do điều kiện thủy văn thực tế năm 2022 tốt hơn nhiều so với kế hoạch, nên loại hình thủy điện chiếm tỷ trọng sản lượng thực tế lớn nhất trong tổng các loại hình nguồn điện với giá trị 38,1% (theo kế hoạch đầu năm thì thủy điện chỉ chiếm tỷ trọng sản lượng 31,6%), loại hình nhiệt điện than chiếm tỷ trọng sản lượng thực tế là 35,5% (thấp hơn 7,0% so với kế hoạch đầu năm), loại hình nhiệt điện khí chiếm tỷ trọng 11,2%.

Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng quá cao, chi phí mua điện vẫn cao hơn so với kế hoạch đầu năm, cụ thể năm 2022 thì chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4% tổng chi phí mua điện toàn hệ thống.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, bộ ngành, để đảm bảo việc điều hành giá điện có lộ trình, xem xét việc tác động giá điện đến GDP, CPI, sản xuất và đời sống nhân dân trong nước ở mức thấp nhất EVN đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4.5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.

Giá điện đã được Chính phủ, bộ ngành và EVN nỗ lực giữ ổn định trong 4 năm qua. Khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến EVN gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều khó tránh khỏi.

Đại diện EVN cho biết, hiện trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.

Có 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51 - 100kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101 - 200kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201 - 300kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301 - 400kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tuyết Nhung