SEA Games 32: Việt Nam có thể thua nhưng Vovinam đã thắng!
Góc bình luận - Ngày đăng : 06:55, 07/05/2023
Trong ngày đầu tiên bộ môn Vovinam tranh tài tại SEA Games 32, có 7 bộ huy chương được trao. Thế nhưng Việt Nam chỉ có 1 HCV của Lê Thị Hiền (đối kháng 55kg nữ), 2 HCB nội dung biểu diễn và 1 HCĐ đối kháng.
Vovinam là bộ môn võ thuật xuất xứ từ Việt Nam nhưng tại SEA Games lần này, nước chủ nhà Campuchia tổ chức đến 29 nội dung tranh tài (chỉ kém điền kinh với 49 bộ huy chương, bơi lội 40 bộ huy chương và vật 30 bộ huy chương). Đây cũng là SEA Games mà bộ môn Vovinam được tổ chức với nhiều nội dung nhất.
Vì sao tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam - xứ sở khai sinh Vovinam cũng chỉ tổ chức 15 nội dung, bằng non nửa số nội dung ở Campuchia lần này?
Cần nhấn mạnh rằng 9/15 nội dung tổ chức ở SEA Games 31 là biểu diễn và Việt Nam chỉ kiếm được 1 HCV; trong khi Myanmar giành 3 HCV, Campuchia và Lào mỗi nước giành 2 HCV, còn Indonesia giành 1 HCV. Thế nhưng Việt Nam vẫn nhất toàn đoàn bộ môn Vovinam nhờ có 5/6 HCV vàng ở nội dung đối kháng. Những tấm huy chương đối kháng sẽ thuyết phục hơn do không dựa nhiều vào cảm tính của tổ trọng tài như nội dung biểu diễn.
Ở SEA Games 31, các võ sĩ Vovinam Việt Nam đoạt được 14 huy chương, số lượng bằng với đoàn Campuchia. Cách chủ động lùi một bước của Vovinam Việt Nam không ngoài mục đích phổ biến Vovinam đến các nước trong khu vực. Không loại trừ khả năng do ở SEA Games 31 có thành tích tốt, nên tại SEA Games 32 trên sân nhà, Campuchia đã tự tin tổ chức môn Vovinam của người Việt lên đến 29 nội dung, trong đó có 21 nội dung biểu diễn.
Việc này cũng dễ hiểu khi tại SEA Games 31, đoàn Campuchia đã giành đến 10 huy chương ở các nội dung biểu diễn. Ở SEA Games lần này, Campuchia đặt mục tiêu giành 9 HCV Vovinam, nhiều gấp 3 lần giải lần trước. Nếu không có gì bất ngờ, nhiều khả năng Campuchia sẽ vượt qua Việt Nam để đứng đầu bảng tổng sắp huy chương môn Vovinam.
Thua hiện tại ở bảng xếp hạng huy chương nhưng tương lai, môn võ quốc hồn, quốc túy của người Việt sẽ được được phổ biến ở các nước trong khu vực. Chúng ta lùi một bước, nhưng Vovinam sẽ tiến bước dài. Nếu tính lần đầu tiên Vovinam xuất hiện tại SEA Games 2011 ở Indonesia, thì sau 12 năm, bộ môn này chỉ được đưa vào thi đấu ở SEA Games thêm 3 lần với lần thứ nhất ở Myanmar năm 2013, lần thứ hai tại SEA Games ở Việt Nam năm 2022 và lần thứ ba tại SEA Games ở Campuchia năm 2023.
Nếu Việt Nam thâu tóm nhiều HCV Vovinam tại SEA Games 31, thì gần như chắc chắn Campuchia sẽ không tổ chức nhiều nội dung tranh huy chương ở môn Vovinam như thế. Do vậy, việc tiếp tục thua hiện tại nhưng có thể giúp quảng bá, phổ biến Vovinam là chiến lược nên làm của Việt Nam, như các quốc gia khác đã từng khai phá và phổ biến những môn võ Pencak Silat, Muay Thái, Taekwondo, Karate, Judo...
Có như thế mới tránh được thất bại từ vết xe đổ của bộ môn đá cầu. Năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên được trao quyền đăng cai SEA Games. Tại SEA Games 22, chúng ta tổ chức đá cầu với 7 nội dung thi đấu và đội tuyển Việt Nam đã giành hết cả 7 HCV. Ngoài ra, đá cầu Việt Nam còn giành thêm 4 HCB, tương đương với việc có 4 trận chung kết là "chuyện nội bộ" giữa các đội hoặc VĐV của Việt Nam.
Sau lần Việt Nam độc chiếm bảng vàng đá cầu đó, các nước không còn muốn chơi bộ môn này nữa và đá cầu không còn xuất hiện tại SEA Games trong suốt 20 năm qua. Thậm chí, tại SEA Games năm ngoái, Việt Nam là chủ nhà nhưng cũng phải tự gạch bỏ môn thể thao rất đỗi quen thuộc với đại bộ phận người dân trong nước.