‘Sợ sai thì tốt nhưng sợ đến mức thiếu trách nhiệm, không chạy việc thì rất đáng sợ’

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:45, 09/05/2023

Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu nói rằng cán bộ sợ sai nhưng sợ đến mức thiếu trách nhiệm và không chạy việc thì rất đáng sợ. Tình trạng này đang phổ biến.

Có khoản vay lãi suất lên tới 18%

Bà Nguyễn Thị Thanh cho hay có 2/15 chỉ tiêu của năm 2022 không đạt, đó là chỉ tiêu về tốc độ năng suất lao động xã hội và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Đây là 2 chỉ tiêu khá quan trọng trong cấu thành về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Bà Thanh cũng thông tin về những khó khăn, thách thức xuất hiện vào cuối năm 2022, trong đó tập trung vào vấn đề lãi suất ngân hàng tăng cao, lãi suất huy động đầu vào tăng dẫn đến lãi suất đầu ra cho vay tăng mạnh.

“Có những tổ chức tín dụng đã áp dụng mức lãi suất lên tới 14%, thậm chí cá biệt có những khoản vay là 18%; xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng mạnh”, bà Thanh nêu.

Ngoài ra, theo bà Thanh, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và khó khăn trong lĩnh vực bất động sản đã tạo ra những áp lực lớn. Thậm chí xuất hiện tình trạng tập trung khiếu kiện đông người, mất ổn định cần xử lý và giải pháp khắc phục.

thanh(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu phát biểu tại cuộc họp

Bà Thanh nhận xét, 3 tháng đầu năm 2023 bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, bấp bênh, bất định. Các chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 dự báo cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với Việt Nam và đối với Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô ở các quý tiếp theo.

“Theo như tính toán, nếu như chúng ta phấn đấu đạt 6,5% cho cả năm theo mục tiêu đề ra thì các quý tiếp theo phải là 6,7%, 7,5% và 7,9%. Chúng ta thấy rằng tính khả thi của tốc độ tăng trưởng của các quý như thế này là vô cùng khó khăn”, bà Thanh đánh giá.

Theo bà Thanh, trong thời gian nghỉ lễ, du lịch nội địa rất tốt nhưng giá vé máy bay rất cao. Người dân thấy cao quá họ không đi. Do đó, rất nhiều địa phương dự kiến đón khách nhiều hơn nhưng bị giảm lượng khách do vấn đề liên quan đến giá vé máy bay mà các hãng hàng không đã tăng giá.

Bệnh sợ trách nhiệm đang… lan truyền

Nêu một số khó khăn cho thời gian tới, bà Thanh cho hay các thị trường bất động sản, vốn trái phiếu doanh nghiệp thì vào thời điểm phải đáo hạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tiếp tục tháo gỡ; nhiều vụ án lớn đã bị truy tố, dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư cũng bị xói mòn; việc giải ngân đầu tư công mà triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì cũng còn nhiều khó khăn và đạt kết quả chưa như mong muốn.

“Công tác cải cách hành chính và kỷ cương chưa hiệu quả. Có tình trạng làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm. Sợ sai thì tốt nhưng sợ sai đến mức thiếu trách nhiệm và không chạy việc thì rất đáng sợ. Đương nhiên là phải sợ sai rồi, nhưng sợ trách nhiệm và làm việc cầm chừng là một trong những tình trạng đang khá phổ biến, có tính chất lan truyền”, bà Thanh nhấn mạnh.

Bà Thanh cũng nói cần khẩn trương ban hành nghị định quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Vừa rồi Chính phủ có công điện 280 cũng cần bổ sung vào trong báo cáo này việc thực hiện công điện. Công điện 280 quy định trong tháng 5 này phải báo cáo rõ những chuyển biến, những tiến bộ, những nơi làm không tốt.

“Trong công điện 280 nêu rất rõ là những trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm thì phải được xử lý. Tôi rất mong trong thời gian tới xử lý được một số trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để giải quyết câu chuyện cầm chừng và sợ trách nghiệm hiện nay đang khá phổ biến ở các địa phương, các ngành”, bà Thanh nói.

thanh-2.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 23

Theo bà Thanh, phải thẳng thắn đi vào những vấn đề thực chất liên quan đến câu chuyện về tình trạng làm việc cầm chừng hiện nay, việc đùn đẩy "đá qua đá lại".

“Chúng tôi đi địa phương cũng thấy địa phương thấy khó làm quá thì làm văn bản hỏi trung ương. Họ hỏi các bộ ngành, các bộ ngành lại trích theo điểm a, điểm b luật quy định thế này thế nọ và đề nghị làm theo luật. Tình trạng phổ biến là như thế. Người ta không làm được thì người ta hỏi, mình lại trả lời theo luật, cứ qua lại như vậy. Ngoài ra, ở dưới địa phương bí không làm được thì cũng không suy nghĩ để tìm cách làm, cũng cứ hỏi trung ương. Đây là câu chuyện chúng ta cần phải rất rõ ràng trong việc này”, bà Thanh nêu.

"Sáng cắp cặp đi họp, trưa cắp cặp về” nhưng không có gì vào trong đầu

Bà Thanh cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cũng nên bổ sung thêm kết quả và giải pháp về phát triển khoa học - công nghệ cùng với đổi mới, sáng tạo. “Chúng tôi cho rằng đổi mới, sáng tạo mà thời gian vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo, trong đó vai trò của Bộ Kế hoạch - Đầu tư rất lớn, nhưng thể hiện ở trong báo cáo này, sức nặng trong báo cáo này thì viết chưa được rõ”.

Bà Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đi cơ sở thấy chúng ta đang phát huy chính phủ điện tử, rồi trực tuyến, nhưng thực tế họp trực tuyến mà chúng ta không có đánh giá thì cũng có mặt trái. Họp trực tuyến rất nhiều nhưng không quan tâm đến hiệu quả của đầu ra thì không cẩn thận sáng cắp cặp đi họp, trưa cắp cặp về, nhưng chưa chắc đã nạp vào đầu được bao nhiêu. Bởi vì sao? Lãnh đạo ngồi chủ trì họp trực tuyến vì không phải điều hành, chỉ nghe đầu cầu ở trung ương, rồi thậm chí chạy ra chạy vào hoặc mở mạng để xem nội dung khác chứ chưa hẳn đã quan tâm đến nội dung”.

Bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của Nhà nước phải được tăng lên. “Chúng ta hoạt động, vận hành theo cơ chế thị trường, theo quy luật của thị trường nhưng bàn tay vô hình của Nhà nước trong lúc này là rất cần trong việc dẫn dắt, hỗ trợ, làm bệ đỡ giúp cho doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, giảm thuế…”, bà Thanh nói.

Sơn Lam