Bổ sung quy định để hạn chế sở hữu chéo, rút tiền hàng loạt

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:57, 09/05/2023

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Có biện pháp ngăn sở hữu chéo, rút tiền hàng loạt

Báo cáo tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31.12.2023.

Đồng thời, dự thảo có sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD...

hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD như: sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại TCTD; bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, hội đồng thành viên của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như: bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD…

Bà Hồng cũng cho hay, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

hong-2.jpg
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngoài ra, dự thảo luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án…

Nội hàm tập đoàn tài chính là gì?

Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung nội dung “can thiệp sớm” và “thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đối với nội dung hoạt động được phép của tổ chức tín dụng (điều 90), Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định tại khoản 2 điều này về việc “tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng”; bảo đảm không gây vướng mắc, lúng túng cho tổ chức tín dụng khi triển khai trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn các ngân hàng thương mại hiện nay hầu như lập ra hoạt động như tổ chức tín dụng thuần túy, tức chủ yếu chủ cho vay, còn các dịch vụ ngân hàng phi tài chính lại không được quan tâm.

hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Liên quan đến lĩnh vực số hóa ngân hàng, fintech, Chủ tịch Quốc hội cho biết quy định trong dự thảo mới chỉ ở mức độ giao dịch điện tử theo hình thức bản giấy nhưng trên nền tảng điện tử. Trong khi đó, Luật Giao dịch điện tử chỉ quy định về quy trình, thủ tục của vấn đề giao dịch điện tử, còn nội hàm cụ thể như thế nào là do các luật chuyên ngành quy định.

Nếu luật này ra đời cộng với Luật Giao dịch điện tử cũng không đáp ứng được vấn đề phát triển và xây dựng hệ thống số hóa, xây dựng fintech trong giai đoạn hiện nay, cần phải nghiên cứu để có ý kiến thỏa đáng.

Về tập đoàn tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong chiến lược của Ngân hàng Nhà nước đã được phê chuẩn đến năm 2025 và định hướng 2030 có đề cập: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xác định trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước trong thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng, đầu mối phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khung khổ pháp lý về tập đoàn tài chính.

“Vấn đề đặt ra là nội hàm tập đoàn tài chính là cái gì, khung khổ thế nào thì luật này có quy định không?”, ông Huệ đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về các quy định về tài chính của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khi dự thảo quy định chế độ tài chính của ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.

“Vậy quy định của Chính phủ là thế nào? Các vấn đề về doanh thu, chi phí, doanh thu nhận trước, lãi dự thu, trích lập dự phòng, hoàn dự phòng, hạch toán lại lỗ, chế độ kế toán, kiểm toán, vấn đề trích lập các quỹ như thế nào? Luật về các tổ chức tín dụng, nhưng tài chính của nó lại không được quy định”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Hoài Lam