Meta trả tiền cho nhà sáng tạo dựa trên lượt xem video ngắn để đấu với TikTok

Thế giới số - Ngày đăng : 09:07, 10/05/2023

Meta Platforms đang mang đến cho những người sáng tạo trên Facebook và Instagram cách kiếm tiền dựa trên số lượt xem video của họ, nhằm tăng sức hấp dẫn của nội dung và lôi kéo người dùng từ đối thủ TikTok.

Hôm 9.5, Meta Platforms cho biết đang thử nghiệm mô hình thanh toán mới với các video dạng ngắn được gọi là Reels. Đây là bước đi xa hơn so với việc nhà sáng tạo chỉ dựa vào quảng cáo trên video để kiếm tiền.

Động thái này sẽ khuyến khích người sáng tạo đăng nhiều video giải trí hơn, đồng thời cung cấp cho người dùng và nhà quảng cáo nhiều lý do hơn để dành thời gian và tiền bạc cho các ứng dụng của Meta Platforms.

Meta Platforms đang cố có được thời gian người dùng ngồi trước màn hình lâu như TikTok. TikTok nổi tiếng với dòng video ngắn bất tận mà người dùng dành nhiều thời gian cuộn qua hơn bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào khác. Facebook và Instagram nhanh chóng sao chép định dạng video này. Thế nhưng, dù người dùng Facebook và Instagram dành nhiều thời gian hơn để xem Reels, những video này không giúp nhà sáng tạo kiếm tiền hiệu quả như TikTok hay Shorts của YouTube. Điều đó đã tạo ra lực cản với doanh thu cho doanh nghiệp và làm giảm khả năng chia sẻ lợi nhuận với các nhà sáng tạo.

Chỉ trong quý 3/2022, Meta Platforms đã tiêu tốn 500 triệu USD cho các nhà sáng tạo nội dung, công ty cho biết.

Meta Platforms dự đoán sẽ giảm bớt khoản chi đó vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Để làm được điều này, Meta Platforms cần nhiều người dùng xem hơn và nhiều nhà tiếp thị hơn chi tiền cho quảng cáo ở đó, công ty cho biết trong cuộc gọi thu nhập mới nhất của mình.

Theo hãng thống kê Sensor Tower, người dùng TikTok dành nhiều thời gian hơn trên ứng dụng này so với bất kỳ đối thủ nào khác với trung bình 95 phút mỗi ngày. Con số đó gần gấp đôi thời gian 51 và 49 phút mà người dùng dành cho Instagram và Facebook của Meta Platforms.

Để thu hút nhà sáng tạo, hồi tháng 3, Meta Platforms quyết định thay đổi giới hạn độ dài video Reels lên đến 90 giây. Trước đó, các video ngắn trên Facebook và Instgram chỉ có độ dài tối đa là 60 giây.

Reels trên TikTok và Instagram đều có các cách khác nhau để đồng bộ video clip với bài hát. Meta Platforms cho biết tính năng này sử dụng "công nghệ beat trực quan", sẽ tự động đồng bộ hóa và căn chỉnh chuyển động trong video khớp với nhịp của bài hát.

Facebook cũng giúp người dùng dễ dàng tạo Reels từ các bài đăng hay câu chuyện trong quá khứ. Người dùng cũng sẽ có thể tận dụng các mẫu video đang thịnh hành và được gợi ý bởi Facebook. Điều này cho phép họ thay thế các video từ một mẫu hiện có bằng các video riêng.

Hồi tháng 3.2023, Meta Platforms tuyên bố Reels là định dạng phát triển nhanh nhất trên các mạng xã hội của công ty. Số lượt xem Reels đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, tính trên cả hai nền tảng Facebook và Instagram. Từ tháng 8.2022, người dùng có thể đăng chéo các Reels giữa hai ứng dụng Facebook và Instagram.

Năm ngoái, gã khổng lồ truyền thông xã hội năm nay đã thiết kế lại toàn diện ứng dụng Facebook và Instagram, bắt chước giao diện TikTok và các đề xuất theo hướng thuật toán về các video ngắn lan truyền.

Cuối tháng 6.2022, Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Meta Platforms nói với các nhân viên rằng Reels đại diện cho một "cơ hội lớn" của công ty nhưng cũng lưu ý rằng định dạng này "vẫn chỉ bằng khoảng 15% kích thước của TikTok”.

Tôi nghĩ thực tế là chúng tôi đang xem xét một năm rưỡi, thậm chí có thể lâu hơn, trước khi chúng tôi thực sự sở hữu tầm nhìn để có một vị trí dẫn đầu mạnh mẽ”, tỷ phú 38 tuổi chia sẻ thời điểm đó.

meta-tra-tien-cho-nha-sang-tao-dua-tren-luot-xem-video-de-dau-voi-tiktok1.jpg
Các nhà sáng tạo sắp nhận được thêm tiền từ Meta Plaforms thông qua lượt xem video ngắn trên Reels 

Meta Platforms hưởng lợi nếu TikTok bị cấm ở Mỹ

Thu hút được 150 triệu người dùng mỗi tháng tại Mỹ, TikTok đang phải đối mặt với đánh giá an ninh quốc gia và luật có thể hạn chế tính khả dụng của nó ở nước này. Chính quyền Biden đe dọa sẽ cấm TikTok ở Mỹ nếu chủ sở hữu Trung Quốc không bán cổ phần. Nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, Meta Platforms có lẽ là hãng được hưởng lợi nhiều nhất.

Meta Platforms từng chống lại TikTok trong quá khứ. Năm ngoái, tờ Washington Post đưa tin Meta Platforms đã trả tiền cho công ty tư vấn Targeted Victory của đảng Cộng hòa để phỉ báng TikTok trong các bài viết và thư gửi tới các tờ báo trên khắp nước Mỹ, gọi TikTok là mối đe dọa với sức khỏe của giới trẻ. Trong các cuộc trao đổi đó không có bất kỳ đề cập nào đến Reels của Meta Platforms, luồng video tương tự như những gì TikTok cung cấp.

Dù vậy, nhiều nhà làm luật và người dùng phản đối các giá trị của Meta Platforms, cho rằng công ty ưu tiên lợi nhuận hơn là sức khỏe tinh thần và quyền riêng tư dữ liệu của những sử dụng công nghệ của họ, đồng thời không ngăn chặn được các chiến dịch tác động trên nền tảng của mình. Trong nửa thập kỷ qua, lãnh đạo Meta Platforms đã phải đối mặt với một loạt phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, gần nhất là vào mùa thu năm ngoái.

Cuối tháng 4.2022, Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms, đặt câu hỏi về các giá trị của TikTok bằng cách viện dẫn luận điệu chống Trung Quốc đã trở thành thương hiệu của các nhà làm luật muốn cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này ở Mỹ.

TikTok, một công ty Trung Quốc cực kỳ thành công, năng động và sáng tạo, có thể hoạt động ở Mỹ, nhưng các công ty như Meta không thể vận hành các dịch vụ truyền thông xã hội của chúng tôi ở Trung Quốc. Vì vậy có vấn đề về việc thiếu sân chơi bình đẳng. Cuối cùng, luôn có một vấn đề cơ bản về giá trị: Giá trị nào là nền tảng của các công nghệ mới?”, Nick Clegg cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 25.4 với Bloomberg TV.

Thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ ByteDance (Trung Quốc) nhưng TikTok tuyên bố không bị chính phủ Trung Quốc thao túng và đang ngăn chặn các hoạt động nhạy cảm để đặt tất cả dữ liệu cùng nhân viên tại Mỹ.

TikTok cũng không có sẵn ở Trung Quốc, thay vào đó là ứng dụng chị em Douyin. Tuy nhiên, TikTok vẫn chưa thể loại bỏ được các lo ngại về quyền sở hữu của mình và liệu điều đó có mở ra khả năng bị chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu hay không.

Nhận xét của Nick Clegg lặp lại quan điểm diều hâu xoay quanh Trung Quốc và mối liên hệ của TikTok với quốc gia châu Á.

Nick Clegg cho biết có “sự khác biệt khá sâu sắc về giá trị” trong cách Trung Quốc nhìn nhận công nghệ và quyền riêng tư cá nhân, gồm cả việc nước này sẵn sàng phong tỏa phần lớn internet của mình để ngăn người dùng truy cập các mạng xã hội và ứng dụng nước ngoài.

Điều này cũng đã mở rộng sang các cuộc thảo luận về các công nghệ AI mới, theo Nick Clegg. “Các nhà chức trách Trung Quốc đã gấp rút đưa vào các giá trị của họ và cách các hệ thống trí tuệ nhân tạo được phát triển”, ông cho hay.

Nick Clegg nói thêm: “Điều quan trọng là châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ không cần phải hành động theo cách hoàn toàn giống nhau. Thế nhưng nếu họ cùng hợp tác, chúng ta có thể đảm bảo rằng những công nghệ mới này dựa trên các giá trị dân chủ chứ không phải tất cả giá trị chuyên quyền. Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm điều gì đó khác hẳn”.

Sơn Vân