Chương trình Giáo dục phổ thông mới cần thời gian thích nghi
Giáo dục - Ngày đăng : 23:06, 09/05/2023
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện đồng bộ tại các cấp học, từ mầm non đến THPT. Trong đó, việc đưa nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) vào giảng dạy tại một chương trình được xem là một trong những điểm đổi mới làm thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông.
Trước đây, Chương trình giáo dục phổ thông 2006 có tính định hướng, SGK là căn cứ có tính pháp lệnh, chương trình học có tính thống nhất cao. "Tuy nhiên, đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, SGK được biên soạn nhằm phát triển năng lực của người học và gia tăng tính trải nghiệm cho cả người dạy lẫn người học. Mặc dù có 3 bộ sách được lưu hành (Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống) nhưng tính thống nhất trong toàn chương trình vẫn được đề cao. SGK chỉ có tính chất là học liệu để thể hiện cho chương trình", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Sơn khẳng định chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" đang được thực hiện ở nước ta hướng đến mục đích không chỉ cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, mà quan trọng hơn là trên nền tảng kiến thức và kỹ năng đó hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực thực hiện vốn đã được bàn bạc, chọn lựa một cách kỹ lưỡng, phù hợp với học sinh Việt Nam. Đây là một xu thế tiến bộ bởi học sinh đi học không chỉ để hiểu và tích lũy kiến thức, mà hơn thế nữa còn áp dụng những kiến thức đó vào học tập và đặc biệt là trong cuộc sống.
Theo chương trình này, mỗi nhà trường được trao quyền chủ động trong việc lựa chọn loại sách phù hợp. Các giáo viên theo đó cũng tự chủ để linh hoạt thiết kế bài giảng dựa trên chương trình triết lý của từng trường và năng lực học tập của học sinh. Vì vậy, vai trò của giáo viên cũng phải thay đổi theo hướng trở thành người tổ chức hoạt động dạy học, định hướng và hỗ trợ học sinh thay vì truyền thụ tri thức. Còn học sinh phải nâng cao tinh thần tự chủ và tự học, phát huy năng lực tư duy và sáng tạo trong học tập để ứng dụng vào đời sống thực tế.
Tính đến năm 2023, công cuộc thay đổi chương trình giáo dục đã được hơn nửa chặng đường. Hơn 1.000 nhà khoa học, nhà giáo đã được huy động để cùng tham gia biên soạn sách, phát huy tri thức, sáng tạo và nâng tính cạnh tranh trong việc biên soạn, phát hành SGK.
Mặc dù thời gian gian đầu, nhiều giáo viên còn gặp khó khăn khi tiếp cận cách thức giáo dục mới, song theo nhận định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, từ năm học này, việc thực hiện tại các trường bước đầu đã khởi sắc và đi vào nền nếp. Kết quả này cũng được thể hiện tương tự trong cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại tỉnh Sóc Trăng vào tháng 3 vừa qua.
Với quan điểm "đổi mới là một quá trình", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng không thể nóng vội và cứng nhắc trong quá trình triển khai. Ngành giáo dục cũng đã quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục; đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến các vấn đề như triển khai các môn học tích hợp, các môn học mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các nhà trường; kinh phí ngành giáo dục tại địa phương.
Trả lời cho câu hỏi có nên tiếp tục việc thực hiện chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ sách" hay không, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Làm giáo dục là một lộ trình dài cần có thời gian để thích nghi và thay đổi. Vì vậy, để đánh giá một cách toàn diện về tính hiệu quả của việc thay đổi hệ thống giáo dục, năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ có những đánh giá vào cuối chặng trên tinh thần tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ xã hội để có sự điều chỉnh hợp lý".