Elon Musk công kích viên ngọc quý của Mark Zuckerberg

Thế giới số - Ngày đăng : 10:57, 10/05/2023

Elon Musk đang tìm cách làm mất uy tín WhatsApp, một trong những viên ngọc quý của Meta Platforms.

Elon Musk và Mark Zuckerberg không phải là bạn bè. Họ không che giấu điều đó và từng đôi lần đấu khẩu.

Giám đốc điều hành Tesla đặt cho Mark Zuckerberg biệt danh "Zuck XIV" như muốn nhắc đến Vua Louis XIV của Pháp, nổi tiếng với tính kiêu ngạo và thái quá.

Elon Musk đưa ra so sánh này hồi tháng 4.2022 khi bác bỏ về xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa việc ông sở hữu Twitter và là một trong những người dùng có ảnh hưởng nhất trên nền tảng này, trong cuộc phỏng vấn với tổ chức truyền thông TED.

Cá nhân tôi sẽ không tự chỉnh sửa các tweet của họ. Nhưng nếu có điều gì đó được làm để thúc đẩy mục đích trình diễn hoặc ảnh hưởng đến tweet nào đó, bạn sẽ biết.

Với loại hình sở hữu phương tiện truyền thông, Zuckerberg làm việc tại Meta và sở hữu Facebook, Instagram, WhatsApp, với một cấu trúc sở hữu cổ phần sẽ giúp Zuckerberg XIV vẫn kiểm soát những thực thể đó. Chắc chắn chúng tôi sẽ không có điều đó ở Twitter. Nếu bạn cam kết thuật toán mở, điều đó chắc chắn mang lại một mức độ tin cậy nhất định", tỷ phú 51 tuổi người Mỹ nói vào ngày 14.4.2022 ngay sau khi ông đưa ra đề xuất mua Twitter với giá 44 tỉ USD.

Với Elon Musk, Mark Zuckerberg là người có quyền lực và ảnh hưởng lớn đến mức có thể kiểm soát mọi thứ như hoàng đế, với phong cách độc đoán.

Không chỉ trực tiếp công kích Mark Zuckerberg, Elon Musk còn chỉ trích Instagram, một trong những sản phẩm xuất sắc của Meta Platforms.

Vài tháng sau, Mark Zuckerberg gián tiếp đáp trả Elon Musk bằng cách nói rằng "những người bình thường" sẽ không muốn những chip não do Neuralink phát triển nằm trong đầu họ. Neuralink là công ty mà Elon Musk đồng sáng lập.

Mark Zuckerberg nói với podcaster Joe Rogan vào tháng 8.2022: “Tôi nghĩ những người bình thường trong 10 hoặc 15 năm tới có lẽ sẽ không muốn cài đặt thứ gì đó vào não của họ cho vui”.

Hai tỷ phú cũng là đối thủ của nhau. Họ chiến đấu để trở thành những ngôi sao công nghệ quyền lực nhất bằng cách kiểm soát các nền tảng có ảnh hưởng nhất.

Meta Platforms, đế chế truyền thông xã hội của Mark Zuckerberg, là công ty mẹ Facebook, Instagram và WhatsApp, ba trong số những nền tảng phổ biến nhất.

Elon Musk là chủ sở hữu của Twitter, được coi là quảng trường công cộng của thời đại, kể từ cuối tháng 10.2022 với giá 44 tỉ USD. Ông cũng là nhân vật có ảnh hưởng nhất trên Twitter và sử dụng thương hiệu cũng như tên tuổi của mình để thu hút những người có ảnh hưởng cùng người sáng tạo khác.

Thế nên, Mark Zuckerberg và Elon Musk cũng đang tranh giành tiền từ các nhà quảng cáo. Trong một thời gian dài, sự cạnh tranh vẫn rất rõ ràng: Elon Musk thường tìm cách tạo ra sự tương phản giữa hai bên. Ông chủ yếu đặt câu hỏi về vai trò của hai nền tảng và tác động với xã hội.

"Instagram khiến người dùng chán nản & Twitter khiến mọi người tức giận. Cái nào tốt hơn?", tỷ phú giàu thứ hai thế giới viết vào ngày 15.1.

Thế nhưng, sự cạnh tranh này vừa mới có một bước ngoặt mới. Elon Musk dường như muốn chỉ ra sự sa sút của đối thủ bằng cách công kích WhatsApp, một trong những viên ngọc quý của Meta Platforms.

Ông trùm công nghệ đang tìm cách làm mất uy tín của ứng dụng nhắn tin này bằng cách cho rằng nó không đáng tin cậy. Khẳng định này đi thẳng vào trọng tâm về quyền riêng tư, một trong những mối quan tâm của người dùng mạng xã hội.

capture.jpg
Elon Musk cho rằng không thể tin tưởng được WhatsApp

Tất cả bắt đầu từ một tweet của một người dùng cho rằng mình đang bị nghe lén hoặc giám sát bởi ứng dụng WhatsApp. Người dùng này miêu tả bản thân là một kỹ sư làm việc cho Twitter, trước đó làm tại Google.

"WhatsApp đã sử dụng microphone ở chế độ nền khi tôi đang ngủ và khi tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng (đó chỉ là một phần của dòng thời gian!). Chuyện gì xảy ra vậy?”, kỹ sư Foad Dabiri đăng tweet vào ngày 9.5 kèm hình ảnh dòng thời gian dường như để xác nhận cáo buộc của mình.

fvc7uvcamaazspw.jpg

Chỉ dựa trên tweet này, Elon Musk ngay lập tức đưa ra lời cảnh giác với WhatsApp.

"Không thể tin tưởng được WhatsApp", Elon Musk viết trên Twitter vào ngày 9.5.

Lời này từ Elon Musk gợi lại ký ức về vụ bê bối đã ảnh hưởng đến Meta Platforms những năm gần đây và và liên quan đến một điểm nhạy cảm: Lòng tin. Facebook đã cho phép Cambridge Analytica, công ty tư vấn, hợp tác với đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thu thập dữ liệu cá nhân từ hàng chục triệu người dùng để lập hồ sơ cử tri.

"Trong 24 giờ qua, chúng tôi đã liên lạc với một kỹ sư Twitter, người đã đăng vấn đề với điện thoại Pixel và WhatsApp của anh ấy. Chúng tôi tin rằng đây là một lỗi trên Android khiến thông tin bị ghi sai trong Privacy Dashboard (bảng điều khiển quyền riêng tư) của họ và đã yêu cầu Google điều tra, khắc phục", WhatsApp phản hồi về vấn đề này trên Twitter.

WhatsApp nói thêm rằng: "Người dùng có toàn quyền kiểm soát cài đặt microphone của họ. Sau khi được cấp quyền, WhatsApp chỉ truy cập microphone khi người dùng đang thực hiện cuộc gọi hoặc ghi chú thoại hoặc video. Thậm chí sau đó, những thông tin liên lạc này được bảo vệ bởi mã hóa đầu cuối để WhatsApp không thể nghe thấy chúng".

Điều này không ngăn Elon Musk tiếp tục chiến dịch chống lại Meta Platforms.

Nhà đầu tư Gannon Breslin nhận xét về thông điệp của Elon Musk: “Thật đáng kinh ngạc khi có nhiều người không nhận ra rằng WhatsApp thuộc sở hữu của Meta/Facebook”.

Elon Musk đáp lại bằng lời châm biếm: “Ừ, hoặc là những người sáng lập WhatsApp đã bỏ Meta/Facebook vì phẫn nộ, bắt đầu chiến dịch #deletefacebook & đóng góp lớn trong việc xây dựng Signal”.

Signal là ứng dụng liên lạc miễn phí hỗ trợ người dùng gửi và nhận tin nhắn tức thì hay gọi âm thanh hoặc gọi video với hình ảnh chất lượng cao. Signal còn cho phép bạn gửi tin nhắn riêng tư với tính năng bảo mật cao và đang được hàng triệu người trên thế giới lựa chọn.

"Những gì họ học được về Facebook và những thay đổi với WhatsApp rõ ràng làm họ lo lắng rất nhiều", Giám đốc điều hành Twitter lập luận.

Elon Musk đề cập đến việc Jan Koum và Brian Acton, hai người đồng sáng lập WhatsApp, đã rời công ty vài năm sau khi được Facebook (hiện là Meta Platforms) mua lại. Giống như những người sáng lập Instagram, Jan Koum và Brian Acton không tán thành các chính sách và quyết định của Facebook, đặc biệt là liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân. Đã có những xung đột nội bộ giữa họ và các lãnh đạo Facebook, công ty định hình lại phần lớn mô hình ứng dụng WhatsApp.

Brian Acton giải thích rằng rời đi vì không đồng tình với Mark Zuckerberg và Giám đốc vận hành khi đó là Sheryl Sandberg, khi Meta Platforms đặt câu hỏi về tính thỏa đáng của giao thức mã hóa WhatsApp mà ông đã giúp phát triển. Brian Acton cho biết họ coi nó như một rào cản với việc phân phối quảng cáo được nhắm mục tiêu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhắn tin thương mại.

Khi rời Meta Platforms, Brian Acton khiến nhiều người ngạc nhiên khi tweet: "Đã đến lúc. #deletefacebook (xóa tài khoản Facebook)".

Brian Acton ủng hộ phong trào kêu gọi xóa tài khoản Facebook qua #deletefacebook sau vụ bê bối Cambridge Analytica. Một động thái đáng chú ý khác từ Brian Acton là khoản đầu tư 50 triệu USD vào một quỹ để quản lý giao thức mã hóa của ứng dụng Signal.

Được thành lập vào năm 2009, WhatsApp đã sử dụng tính năng nhắn tin được mã hóa, vốn nổi tiếng là ứng dụng tôn trọng quyền riêng tư, trước khi được Facebook mua lại với giá 19 tỉ USD vào năm 2014.

Sơn Vân