Nghệ sĩ Trung Dân: 'Tôi thích sự tự do nên chỉ là một diễn viên quèn của sân khấu'

Văn hóa - Ngày đăng : 15:05, 11/05/2023

Vào ngày 5.5, tại sân khấu Idecaf đã công diễn vở "Bí mật giếng làng Khủm"(tác giả Trung Dân, đạo diễn Thanh Thủy). Đây là vở diễn đánh dấu sự trở lại của cả hai nghệ sĩ Trung Dân và Thanh Thủy.

Trong suất diễn đầu tiên, vé bán hết và phản ứng từ khán giả rất tốt - một tín hiệu vui cho sự trở lại của hai nghệ sĩ xa nhà đã lâu. Nhưng niềm vui không trọn vẹn khi gần tới ngày diễn chính thức, Quốc Thịnh bị nhiễm COVID-19 nên Đình Toàn phải "chữa cháy". Vai diễn của Quốc Thịnh có nhiều mảng miếng hài rất thú vị nên sự vắng mặt này làm giảm bớt sức hấp dẫn của vở diễn. Nhân dịp này, Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Trung Dân.

PV: Ngay suất diễn đầu tiên, khán giả đã cười nghiêng ngả từ đầu đến cuối, cảm giác anh thế nào cho lần trở lại sau hơn 15 năm rời đi?

- Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi cảm động lắm. Những nụ cười, những tràng vỗ tay của khán giả cho thấy chúng tôi vẫn còn được thương yêu và ủng hộ trên sân khấu mà mình từng gắn với nhiều kỷ niệm. Tôi cảm ơn Đình Toàn đã cứu giúp chúng tôi khẩn cấp vào giờ chót vì Quốc Thịnh ngã bệnh. Quốc Thịnh đã tập dợt cùng chúng tôi suốt 1 tháng nên nhuần nhuyễn, có những miếng hài đắt giá. Còn Đình Toàn chỉ có một ngày tập. Nếu Thịnh không bệnh chắc vở diễn còn vui hơn. 

344126080_1918273268537261_4811032733320905869_n.jpg
Trung Dân (phải) và Thanh Thủy (trái) trong "Bí mật giếng làng Khủm"

Từ cảm hứng nào mà anh viết kịch bản lạ này?

- Tôi quan sát cuộc sống, thấy sao có nhiều kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, nước lớn ăn hiếp nước nhỏ. Tôi ước ao mọi con người trên thế giới này đều tôn trọng và yêu thương nhau, không làm tổn thương nhau. Đây là lý do mà tôi viết vở Bí mật giếng làng Khủm. Để không ám chỉ một ai, tôi chọn bối cảnh làng thượng và làng hạ. Làng thượng giàu có, con người thông minh đa mưu túc trí, muốn tiêu diệt làng hạ để mưu cầu vật chất. Nhưng cuối cùng, làng hạ vẫn có những người hiền lành, trọng tình nghĩa xóm làng nên bảo vệ được dân làng trước cái ác. 

Bản dựng trên sân khấu có khác nhiều so với kịch bản gốc không, thưa anh?

- Về ý nghĩa và thông điệp vẫn y như thế, nhưng đạo diễn Thanh Thủy đã sáng tạo nên nhiều tình huống hài hước và trào phúng, phù hợp với cả giới trung niên và giới trẻ. Chị mở rộng tuyến nhân vật, và đào sâu thêm tâm lý các nhân vật mới. Nhờ vậy mà không khí vở diễn rất náo nhiệt. 

Ngày nay, khán giả thích xem kịch giải trí kiểu quăng bắt tình huống mà không cần chiều sâu suy ngẫm. Phong cách kịch của anh thuộc châm biếm hài hước sâu xa. Anh có sợ khán giả không ủng hộ không?

- Tôi đã tích lũy rất nhiều năm để hình thành phong cách riêng của mình, vì vậy, dẫu tôi biết rõ các bạn diễn viên trẻ ngày nay có phong cách mới rất ăn khách, nhưng tôi không thể bỏ cái riêng của mình chạy theo gu thời thượng. Thật lòng mà nói, tôi muốn diễn theo kiểu ấy cũng không được. Nhưng tôi tin khán giả cũng có nhiều gu thưởng thức khác nhau. Tôi vẫn cố gắng làm hết sức của mình, đó là bên cạnh việc giải trí, tôi khai thác chức năng dự báo và giáo dục của kịch nghệ. Tôi thích kể câu chuyện có sự suy ngẫm. Tôi sẽ cống hiến đến khi nào khán giả còn muốn thưởng thức. Nếu phong cách ấy không còn phù hợp, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn yêu cầu tôi dừng lại, tôi sẽ tự quyết tương lai của mình. 

343621391_770246844651173_6304452182932427836_n.jpg
Trung Dân vừa là tác giả vừa thủ vai lái buôn trong vở "Bí mật giếng làng Khủm"

Những ngày qua có tin đồn về sự rạn nứt nội bộ của sân khấu Idecaf, theo đó, NSƯT Thành Lộc sẽ chia tay sân khấu này. Anh nghĩ sao về điều này?

- Thật tình mà nói tôi không tìm hiểu và cũng không muốn phát biểu về việc này. Đó là chuyện riêng của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và anh Thành Lộc. Tôi chỉ là một diễn viên cộng tác với sân khấu, anh Tuấn yêu cầu tôi làm gì tôi làm nấy - nếu thấy phù hợp, bằng không thì tôi từ chối. Tôi thích sự tự do nên chỉ là một diễn viên quèn của sân khấu, mà đã như thế thì làm sao tôi biết hết nội tình sự việc của nhà quản lý. 

Cảm giác của anh lúc này thế nào?

- Tôi khát khao được một sân chơi đúng nghĩa, còn anh Tuấn đang muốn chiêu hiền đãi sĩ tăng cường lực lượng cho sân khấu. Tôi cảm thấy thoải mái được trở về mái nhà xưa. Nhưng như tôi đã nói, sự hiện diện của tôi ở đây,  như thế nào do khán giả quyết định. Nếu phong cách của tôi không hấp dẫn, hay không phù hợp, khán giả không muốn xem, tôi biết mình nên làm gì. Tôi có đủ sự tự trọng của một người nghệ sĩ. 

Nếu bị buộc phải rời xa sân khấu, anh sẽ làm gì?

Tôi là người hoài niệm nên nếu không còn diễn, tôi sẽ sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ. Bạn biết không, hầu như tất cả những gì tôi từng thấy trong thời niên thiếu tôi đều ghi nhớ vào ký ức. Ví dụ như ngày xưa ngay Hóc Môn, dọc sông Sài Gòn có nhiều ruộng mía và lò đường. Đó là hình ảnh mộc mạc và ấm áp, nhưng dần dần biến mất. Tôi không hiểu lý do vì sao và tiếc đến ngẩn ngơ. Còn nhiều thứ khác đã biến mất làm tôi hụt hẫng. Tôi muốn tìm lại, ghi dấu những ký ức đẹp đó vào một dạng biên khảo hay tản văn để lưu truyền cho thế hệ sau. 

Bên cạnh đó, tôi viết truyện và dành thời gian chăm sóc khu vườn của mình. Tôi là người nhà quê nên phù hợp với việc nuôi thú và trồng cây cảnh. Lâu lâu hẹn bàn bè văn chương đến uống trà đàm đạo. Nhớ con thì tôi sẽ bay sang Úc thăm nó một thời gian rồi về. Tôi cảm nhận được sự bình an. Ngay cả trong lúc về hưu đó, đạo diễn nào nhớ đến, mời tôi thì tôi tham gia. Vậy là vui và đủ!

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện và chúc cho sự trở lại của anh đạt nhiều thành công!

Nguyễn Huy (thực hiện)