An Giang: Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể kinh lá buông

Văn hóa - Ngày đăng : 17:33, 11/05/2023

Hội thảo khoa học phát huy giá trị văn hóa phi vật thể kinh lá buông đã chính thức khai mạc tại chùa Sà Lôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Ngày 11.5, tại Chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể kinh lá buông”.

km-21.jpg
Đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: C.M

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng, tại hội thảo chư tôn đức, các học giả nghiên cứu sẽ tập trung thảo luận, đối chiếu luận cứ khoa học, tìm ra dữ liệu mới bổ sung vào điều còn khuyết, tháo gỡ những điểm nghẽn, làm rõ thêm những điều mơ hồ và tìm ra giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy tốt ý nghĩa cũng như giá trị kinh lá buông.

“Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể kinh lá buông là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của chư Tăng và Phật tử Khmer để lại. Đồng thời, đây còn là việc làm thể hiện trách nhiệm và bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với bậc tiền nhân”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.

km-3.jpg
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: C.M

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thượng tọa, thạc sĩ Thạch Nê nhấn mạnh, kinh lá buông chứa đựng nội dung giáo lý của Phật giáo, triết học, kinh nghiệm sống, văn thơ, những mẩu chuyện dân gian đúc kết lại.

Ngoài ra, kinh lá buông còn ghi chép lại những khía cạnh về cuộc sống văn hóa, xã hội của người Khmer từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi. Kinh lá buông được xem như một quyển sách, ghi lại những thông tin, lưu giữ và bảo tồn văn hóa bản địa.

Trong Phật giáo, kinh lá buông lưu giữ lại Tam tạng kinh điển, Satra Sêch-sa, Satra Pra-vê-ni, Phật tích, truyện ngắn liên quan đến đức Phật, và được dùng phổ biến trong các buổi thuyết pháp nhân dịp lễ lớn nhỏ theo truyền thống Phật giáo.

“Kinh lá buông là tài sản vô giá chứa đựng giá trị về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào của người Khmer được truyền từ đời này sang đời khác.

Ngoài ra, kinh lá buông còn mang giá trị lịch sử to lớn đối với người Khmer, thông qua số năm được viết trên trang đầu của satra và cũng có những satra người viết không để lại năm, thông qua đó có thể nhận biết đôi nét về phong tục, và nền giáo dục của người Khmer thời xưa”- Thượng tọa, thạc sĩ Thạch Nê khẳng định.

km-61.jpg
Đại biểu tham quan trưng bày kinh lá buông bên lề hội thảo - Ảnh: C.M

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ các Viện, Trường trong cả nước; các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trụ trì các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer tại khu vực ĐBSCL.

Các tham luận tập trung làm rõ bối cảnh ra đời Sas-tra Slâc Rít “Sách lá buông”. Quá trình phát triển kinh lá buông và những bộ sưu tập kinh cổ viết trên lá buông ở các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang.

Kinh lá buông - di sản văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ; giá trị văn hóa nghệ thuật Phật giáo của người Khmer An Giang qua nghệ thuật chế tác kinh lá buông.

Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản kinh lá buông như: kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị cho công tác bảo tồn và quảng bá di sản “kinh lá buông” ở tỉnh An Giang.

Phát huy giá trị văn hóa kinh lá buông trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở An Giang hiện nay; bảo tồn và phát huy Kinh lá buông - di sản văn hóa, lịch sử, tôn giáo của người Khmer Nam Bộ…

Theo các đại biểu, lá buông (satra), là một trong những hình thức lưu trữ văn bản cổ của người Khmer trong thời kỳ giấy chưa được sử dụng phổ biến, là bước ngoặt lịch sử của người Khmer trong việc sử dụng lưu trữ văn bản, lưu trữ kinh nghiệm, khắc chép kinh Phật hay khắc chép tác phẩm văn học.

Đó không những đó là tài liệu được sử dụng để học tập hay nghiên cứu mà còn minh chứng cho thấy trình độ phát triển của người Khmer trong việc tìm ra dụng cụ ghi chép chữ viết, ghi chép lịch sử đức Phật, kinh tụng, lịch sử dân tộc, hay kinh nghiệm cuộc sống, giúp đánh dấu một giai đoạn phát triển chữ viết và ngữ pháp của ngôn tự Khmer.

Tô Văn - Thanh Hồng