Apple mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 18.5
Thế giới số - Ngày đăng : 12:13, 12/05/2023
Cửa hàng trực tuyến đầu tiên của Apple ở Việt Nam sẽ khai trương vào ngày 18.5. Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) mở hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Ấn Độ tại thành phố Mumbai và thủ đô Delhi.
Apple lần đầu tiên ra mắt một cửa hàng trực tuyến ở Ấn Độ vào năm 2020.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, đang đặt cược rằng các thị trường mới nổi sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn, với dân số trẻ hơn và số lượng người dùng iPhone tương đối ít.
Apple chưa cho biết khi nào có kế hoạch mở các cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam, nơi có dân số gần 100 triệu người.
Deirdre O'Brien, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán lẻ của Apple, nói: "Chúng tôi tự hào được mở rộng hoạt động tại Việt Nam".
Các cửa hàng trực tuyến của Apple thường đi trước việc mở các cửa hàng bán lẻ. Apple đã bán sản phẩm tại Việt Nam thông qua các nhà cung cấp được cấp phép. Tại nước ta cũng có nhiều nhà cung cấp lắp ráp các thiết bị của Apple để xuất khẩu. Cuối năm 2022, trang Nikkei cho biết Apple sẽ sản xuất MacBook ở Việt Nam giữa năm 2023.
Chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam là động thái đã được Apple lên kế hoạch từ năm 2020. Lô máy tính xách tay đầu tiên của Apple dự kiến sẽ được sản xuất sớm nhất vào khoảng tháng 5.2023.
Apple chọn Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, để lắp ráp MacBook tại Việt Nam, theo trang Nikkei.
Apple đang chuyển sự chú ý sang các thị trường mới nổi vào thời điểm tăng trưởng đang chậm lại ở quê nhà.
Sau hai lần sụt giảm doanh thu hàng quý liên tiếp và lần thứ ba sắp xảy ra, Apple có một thông điệp cho các nhà đầu tư: Các thị trường mới nổi sẵn sàng giúp hãng “cất cánh”.
Tim Cook đã đưa ra lời quảng cáo đó trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 (quý tài chính thứ hai năm 2023) của Apple vào tuần trước, khi ông chỉ ra công ty lập doanh số bán hàng kỷ lục ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Apple đạt doanh số cao kỷ lục trong quý gần nhất ở Mexico, Indonesia, Philippines, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Malaysia, Brazil và Ấn Độ, ngay cả khi tổng doanh thu giảm.
Không có gì bất ngờ khi Tim Cook đang quảng cáo đóng góp của các thị trường mới nổi cho Apple. Ông ghé thăm Ấn Độ, nơi Apple mới mở hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên, và nói về tiềm năng của quốc gia Nam Á như là “Trung Quốc tiếp theo”. Tuy nhiên, chủ đề này lại được thảo luận nhiều hơn thường lệ hôm 4.5 vừa qua. Tim Cook đã đề cập Ấn Độ khoảng 20 lần trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh.
Giám đốc tài chính Apple - Luca Maestri cho biết sự hồi sinh của iPhone trong quý 1/2023 nhờ các thị trường mới nổi trên khắp Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latinh. Apple lập kỷ lục doanh số iPhone trong quý này nhờ các thị trường mới nổi.
Tim Cook cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng trước hiệu suất của mình tại các thị trường mới nổi. Apple đã lập kỷ lục về số lượng iPhone bán ra và được sử dụng ở mọi phân khúc địa lý. Chúng tôi có doanh số bán hàng rất mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở Brazil, Ấn Độ và Mexico".
“Nơi mà kết quả của Apple thực sự xuất sắc trong quý này thực sự là ở các thị trường mới nổi và chúng tôi không thể tự hào hơn về kết quả mà chúng tôi đã đạt được ở đó”, Giám đốc điều hành Apple nói thêm.
Có ít tin tích cực hơn về các thị trường lâu đời của Apple. Doanh số bán hàng giảm ở châu Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, gây ra mức giảm chung khoảng 3%.
Dù kết quả của Apple đã được đón nhận tích cực vào tuần trước, một số nhà phân tích lo ngại công ty có thể đối mặt với nhiều năm tăng trưởng chậm. Thông điệp từ Apple là vẫn còn nhiều không gian để mở rộng ở các thị trường mới hơn và thêm khách hàng vào nền tảng của mình.
Luca Maestri đã tóm tắt lập trường đó để trả lời câu hỏi của nhà phân tích: “Ở những nơi mà thị phần của Apple còn thấp, chúng tôi có xu hướng thêm nhiều người mới tham gia hệ sinh thái công ty. Việc đó làm tăng số lượng iPhone bán ra và được sử dụng. Về lâu dài, nó rõ ràng cũng cải thiện khả năng kiếm tiền từ các dịch vụ của chúng tôi”.
Tim Cook mở rộng ý tưởng đó và nói thêm một chút về Ấn Độ. “Những gì tôi thấy ở Ấn Độ là rất nhiều người bước vào tầng lớp trung lưu. Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể thuyết phục một số người trong số họ mua iPhone và sẽ xem điều đó diễn ra như thế nào. Tôi cảm thấy rằng Ấn Độ đang ở một ngưỡng cửa quan trọng”, ông nói.
Nhận xét của Tim Cook về tầng trung lưu cho thấy Apple đang đợi Ấn Độ đến với mình, chứ không phải theo cách ngược lại. Điều đó đồng nghĩa Apple không nhất thiết phải sản xuất iPhone siêu rẻ chỉ để thâm nhập vào thị trường.
Trên thực tế, hai Apple Store mới ở Ấn Độ đều cao cấp. Chúng có cùng kiểu dáng và độ hoàn thiện, bán sản phẩm và dịch vụ giá cao như các cửa hàng Apple tại nhiều quốc gia khác. Giá iPhone 14 Pro tại Ấn Độ (chuyển đổi sang USD) còn cao hơn so với Mỹ.
Song có một lập luận rằng Apple nên giảm giá sản phẩm để mở rộng phạm vi tiếp cận người dùng và đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng ở các thị trường mới nổi. Hiện tại, Apple đã tránh cách tiếp cận đó vì sợ có thể làm tổn hại đến thương hiệu và lợi nhuận của họ.
Thế nhưng, việc bán các thiết bị rẻ hơn có thể thu hút nhiều người hơn sử dụng các dịch vụ Apple, một trong số ít danh mục của công ty đã tăng trưởng trong quý 1/2023. Luca Maestri thừa nhận rằng việc thúc đẩy doanh thu dịch vụ nhiều hơn là một phần quan trọng của chiến lược tại các thị trường mới hơn.
Dù không có kế hoạch ra mắt chiếc iPhone mới dưới 300 USD, Apple có thể tiếp thị các mẫu SE cũ hơn như giải pháp thay thế phù hợp với túi tiền.
Công ty đã có cơ hội làm điều đó khi tung ra iPhone SE mới vào năm ngoái. Thời điểm đó, cây viết Mark Gurman của trang Bloomberg đã đề nghị Apple giảm giá phiên bản iPhone SE trước xuống còn 199 USD. Apple không nghe theo lời khuyên đó, nhưng sẽ có cơ hội khác để thực hiện một bước như vậy khi mẫu iPhone SE tiếp theo xuất hiện. Nếu thực sự nghĩ rằng các thị trường mới nổi là tương lai, có lẽ Apple phải làm như vậy.