TP.HCM tìm nguồn vốn lớn để đầu tư metro
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 15:50, 12/05/2023
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh TOD đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là thế mạnh của Nhật Bản khi nước này đã triển khai rất thành công. TP.HCM đang đề xuất Quốc hội cho cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển TP.HCM, trong đó có đề xuất tập trung phát triển giao thông đô thị (tuyến metro 1 và 2). Khi được Quốc hội thông qua, TP sẽ là địa phương tiên phong thực hiện TOD và đường sắt đô thị là hạt nhân. Do vậy các nội dung thảo luận là rất quan trọng, đóng góp vào chính sách phát triển TOD, trong đó có phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
“Hội thảo trao đổi thẳng thắn nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền, chủ đầu tư về các cơ chế chính sách để triển khai phát triển đường sắt thông qua kinh nghiệm của Nhật Bản; từ đó hoàn thiện thể chế, căn cứ pháp lý, nhất là các luật có tác động liên quan; các chính sách để khuyến nghị phát triển các mô hình phát triển TOD và PPP, trong đó có mô hình thực hiện các cơ chế tài chính liên quan, đồng thời rút ra những bài học, những lưu ý có thể áp dụng trong thời gian tới”, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường yêu cầu.
Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển hạ tầng metro của nước này gắn với phát triển đô thị theo mô hình TOD (TOD - Transit Oriented Development).
Không chỉ Nhật Bản, mà một số nơi như Hàn Quốc, Hồng Kông... cũng đã từng áp dụng và thành công với mô hình này. Đây là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng. Điều này hoàn toàn có thể áp dụng ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội...
Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất khi có metro đi qua. Từ đó có thể bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt là bài toán thiếu vốn đầu tư cho metro.
Đến nay, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) đang được thực hiện. Tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đã có nhà tài trợ đăng ký vốn. Để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch như trên, TP.HCM cần tổng vốn 25,894 tỉ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn chủ yếu đến từ đầu tư công và vốn vay ODA đang có nhiều hạn chế.
Ông Bùi Xuân Nguyện (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - MAUR) cho biết TP.HCM quy hoạch 8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 1 tuyến xe điện mặt đất cùng 2 tuyến monorail đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Nguồn vốn huy động theo hình thức đầu tư kênh ODA cho các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại TP.HCM là khoảng 6,544 tỉ USD, đạt khoảng 23% so với tổng mức đầu tư dự phòng.
“Nguồn vay ODA song phương luôn đi kèm yêu cầu ràng buộc về xuất xứ hàng hóa cũng như tỷ lệ tham gia (thậm chí độc quyền cung cấp) dịch vụ về tư vấn, triển khai dự án”, ông Nguyện cho hay.
Trong khi đó đến nay ngân sách xây dựng metro chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu để đạt mục tiêu xây dựng hạ tầng nói chung và hạ tầng metro TP.HCM nói riêng giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư các dự án đường sắt đô thị theo hợp đồng đối tác công - tư (PPP) là rất cần thiết.