Chatbot AI Mate của Baidu trả lời sai vì thiếu tài nguyên, iFlyTek nói SparkDesk sẽ vượt ChatGPT
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:48, 12/05/2023
Động thái này diễn ra khi các hãng công nghệ lớn khác trên thế giới chạy đua để tung các dịch vụ tương tự ChatGPT ra thị trường.
Phiên bản beta chatbot AI Mate, có thể so sánh với Bing Chat của Microsoft, gần đây đã xuất hiệnphía trên bên phải trang kết quả của công cụ tìm kiếm Baidu cho một số người dùng nhất định. AI Mate áp dụng công nghệ từ Ernie Bot, dịch vụ giống ChatGPT mà Baidu công bố vào tháng 3.
Sau khi được mở, AI Mate sẽ yêu cầu người dùng cung cấp “phản hồi để giúp nó cải thiện”. AI Mate cũng chỉ trích dẫn các tài liệu tham khảo trong nước và tránh các truy vấn chính trị, theo hãng tin SCMP.
Do thiếu tài nguyên từ bên ngoài Trung Quốc nên AI Mate trả lời một số câu không chính xác. Ví dụ, AI Mate đã trích dẫn Google, Replika, Character.ai và cả Baidu khi trả lời câu hỏi về việc "các công ty Mỹ phát triển các chatbot giống ChatGPT".
AI Mate tạo ra câu trả lời với thông tin lấy từ blog trên diễn đàn công nghệ trực tuyến Chinese Software Developer Network và một bài viết từ PConline, cả hai đều được xuất bản vào tháng 2. Hai trang này không được coi là nguồn tin đáng tin cậy.
Để so sánh, Bing phiên bản mới (được trang bị công nghệ của OpenAI) trả lời cùng một câu hỏi như trên là Meta Platforms, Google, Microsoft và Snap trong khi loại bỏ các nhà cung cấp công nghệ nhỏ hơn.
Bing Chat đã trích dẫn các bài viết được xuất bản vào tháng 3 và tháng 4 từ nhiều nguồn khác nhau, gồm cả CNBC và trang web chính thức của Michael Bennet (Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ ở bang Colorado).
Những hạn chế của AI Mate phản ánh cách các hãng công nghệ Trung Quốc đang tuân thủ các nỗ lực của chính quyền nhằm điều chỉnh và kiềm chế các dịch vụ generative AI phát triển nhanh chóng ở nước này, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Với những hạn chế hiện có ở Trung Quốc, AI Mate tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi chính trị. Khi được yêu cầu đánh giá các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chatbot của Baidu chỉ nói đơn giản: “Nội dung vi phạm các quy tắc và nó sẽ không trả lời”.
Cùng một truy vấn, Bing Chat cho biết “không thể đưa ra ý kiến về vấn đề này”, với lý do nó là một mô hình ngôn ngữ AI. Tuy nhiên, phản hồi của Bing Chat cung cấp các bài viết từ The New York Times và CNN có liên quan đến câu hỏi.
Hồi tháng 4, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan giám sát internet nước này, đã tiết lộ một bộ quy tắc dự thảo mới nhắm mục tiêu vào các dịch vụ tương tự ChatGPT.
Các công ty cung cấp dịch vụ generative AI ở Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn nội dung phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và nội dung gây hại cho quyền riêng tư cá nhân hoặc sở hữu trí tuệ, theo quy định đề xuất do CAC công bố.
CAC cho biết các doanh nghiệp cũng nên đảm bảo rằng các sản phẩm của họ tôn trọng giá trị xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và không tạo ra nội dung gợi ý lật đổ chế độ, bạo lực, nội dung khiêu dâm hoặc phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội.
Tất cả sản phẩm generative AI phải vượt qua đánh giá bảo mật của CAC trước khi phục vụ công chúng, theo yêu cầu từ quy định năm 2018 về các dịch vụ thông tin trực tuyến có khả năng gây ảnh hưởng đến dư luận.
iFlyTek: SparkDesk vượt ChatGPT trên thị trường nói tiếng Trung Quốc vào tháng 10
Ngoài Baidu, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, công ty AI SenseTime và nhà phát triển nhận dạng giọng nói iFlyTek đã tung ra các dịch vụ tương tự ChatGPT.
Trong khi có những bất đồng về việc Trung Quốc kém xa Mỹ như thế nào về AI, Lưu Thanh Phong, người sáng lập kiêm Chủ tịch iFlyTek, tuyên bố chatbot SparkDesk của họ sẽ vượt qua ChatGPT trên thị trường nói tiếng Trung Quốc rộng lớn vào tháng 10 tới.
Trong khi đó, Lý Ngạn Hoành, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Baidu, cho rằng chatbot của công ty chỉ đi sau ChatGPT khoảng hai tháng.
“Chúng tôi có thể sớm bắt kịp, hoặc điều đó có thể không bao giờ xảy ra”, Robin Li Yanhong nói với các nhân viên vào tuần trước.
Cuối tháng 3, các doanh nhân công nghệ Trung Quốc từng tranh luận về việc nước này tụt hậu xa như thế nào so với ChatGPT và GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất của OpenAI.
Theo Nvidia (nhà thiết kế chip AI), mô hình ngôn ngữ lớn là các thuật toán học sâu có thể nhận dạng, tóm tắt, dịch, dự đoán và tạo văn bản cũng như nội dung khác dựa trên kiến thức thu được từ bộ dữ liệu khổng lồ.
Trong một chương trình phát sóng trực tiếp tại Geekpark, cộng đồng dành cho các chuyên gia công nghệ Trung Quốc, Lý Ngạn Hoành cho rằng Ernie Bot chỉ đứng sau ChatGPT khoảng “1 hoặc 2 tháng”.
“Theo phân tích của nhóm chúng tôi, Ernie Bot hiện ở mức mà ChatGPT đạt được vào tháng 1”, Lý Ngạn Hoành nhận định lạc quan.
Trong khi tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc do chính phủ tổ chức, Chu Hồng Y, người sáng lập công ty an ninh mạng Qihoo 360, nói mô hình ngôn ngữ lớn của Trung Quốc “đi sau 2 đến 3 năm” so với GPT-4. Tuy nhiên, Chu Hồng Y cho rằng Trung Quốc nên tiếp tục đầu tư vào công nghệ này vì hướng đi đã rõ ràng và “không có trở ngại nào là không thể vượt qua”.
Khả năng của ChatGPT và GPT-4 đã khiến các chuyên gia công nghệ của Trung Quốc ngỡ ngàng và phải nhanh chóng tạo ra các công nghệ cạnh tranh. Lý Ngạn Hoành cho biết Baidu đang phải đối mặt với "sức ép rất lớn và cảm giác khủng hoảng" sau khi nhìn thấy ChatGPT và thấy rằng "khoảng cách giữa Trung Quốc với các cấp độ quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực này ngày càng lớn".
Các chuyên gia AI Trung Quốc chỉ ra một số trở ngại với sự tiến bộ của Trung Quốc trong các mô hình ngôn ngữ lớn gồm sự phức tạp của tiếng Trung, chính phủ kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm và thiếu sức mạnh tính toán.
Trong cuộc họp quan trọng của Ủy ban Trung ương về Tài chính và Kinh tế hôm 5.5, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc nên tận dụng khả năng của mình trong AI để giúp hiện đại hóa hệ thống công nghiệp của đất nước, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc nên nắm bắt các cơ hội do những đột phá khoa học và công nghệ mới, chẳng hạn AI, để xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại “toàn diện, tiên tiến và không gây hại”.
Đây là lần thứ hai trong chưa đầy hai tuần gần đây, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự phát triển của AI. Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có những động thái nhằm làm chậm quá trình phát triển AI của Trung Quốc bằng cách hạn chế xuất khẩu các chất bán dẫn tiên tiến sang quốc gia châu Á này như CPU và GPU, vốn rất quan trọng để huấn luyện các mô hình AI tinh vi.
“Đẩy nhanh việc xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại được hỗ trợ bởi nền kinh tế thực là rất quan trọng để chúng ta giành được thế chủ động chiến lược trong tương lai phát triển và cạnh tranh quốc tế”, ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp có sự tham dự của các quan chức Trung Quốc cấp cao khác.
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp riêng vào ngày 28.4 tổng kết cuộc họp hàng quý của Bộ Chính trị Trung Quốc về phát triển kinh tế và xã hội, Bộ Chính trị nước này đã kết luận rằng phải “chú ý đến sự phát triển của generative AI, tạo ra một hệ sinh thái cho sự đổi mới, nhưng đồng thời phải tính đến việc phòng ngừa rủi ro”.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đưa generative AI vào một tuyên bố của Bộ Chính trị, phản ánh tín hiệu khác nhau của quốc gia này với dịch vụ tương tự ChatGPT.
Dường như việc thúc đẩy tiến bộ của AI được khuyến khích, nhưng đồng thời cũng có những lo ngại về hậu quả từ việc làm này.