Bóng đá Việt Nam cần gì khi không bảo vệ được HCV SEA Games?
Thể thao - Ngày đăng : 11:35, 14/05/2023
Sự thay đổi đến chóng mặt như thế này, rõ ràng là không công bằng với những gì mà đoàn quân của HLV Troussier đã thể hiện và cho thấy họ tiến bộ qua từng trận đấu. Thực tế này càng chứng minh, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã bị văn hóa chiến thắng thấm đẫm, thấm sâu vào máu. Nói đơn giản hơn, bệnh thành tích đã lan rộng, lan sâu trong cộng đồng.
Không thắng các giải cấp độ U bằng mọi giá
Với 5 trận thua trong quá trình chuẩn bị gồm 3 trận ở giải giao hữu Doha Cup và 2 trận giao hữu trước CLB TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, có mấy ai dám tin đội U.22 Việt Nam sẽ thể hiện được một hình ảnh hoàn toàn khác như những gì họ đã làm được tại SEA Games 32?
Ai cũng biết rằng đây là thế hệ mới, những cầu thủ chưa có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao ở trong nước huống chi là quốc tế. Hơn nữa, đa phần cầu thủ là 20 tuổi nên không thể so sánh với đội hình có 5 và 9 cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia, trong đó có 3 cầu thủ ngoài 23 tuổi đã đem về cho bóng đá Việt Nam 2 HCV liên tiếp tại SEA Games 30 và 31.
Thế hệ U.22 hôm nay vẫn còn đó những cầu thủ từng thua Campuchia 1-2 vào ngày 15.8.2019 ở giải vô địch U.18 Đông Nam Á khi HLV trưởng là Hoàng Anh Tuấn. Thế mà sau đó chỉ hơn một tháng, khi nhận làm HLV trưởng đội U.19 Việt Nam, cũng với lực lượng này, ông Troussier đã xuất sắc đưa đội Việt Nam thắng chủ nhà Thái Lan 1-0 ở bán kết và chỉ chịu thua U.19 Hàn Quốc 2-3 trong trận chung kết giải giao hữu tứ hùng diễn ra ở Bangkok vào đầu tháng 10.2019.
Nhắc lại chi tiết này để hiểu rõ hơn phát biểu của HLV Troussier sau trận thua Indonesia: “Một số người nhận xét thế hệ này không tốt, nhận nhiều chỉ trích, nhưng tôi không cho là vậy. Tôi nhận và không hối tiếc. Thế hệ này không có nhiều cá nhân nổi bật nhưng tôi tin với cách huấn luyện hợp lý, thế hệ này có thể có tương lai tốt hơn”.
Với thực lực như thế này, đội U.22 Việt Nam có những sai sót dẫn đến bàn thua cũng là lẽ thường. Như khi đã gỡ hòa 2-2 từ phút 78 và chơi trong thế trận hơn 1 người, thay vì bình tĩnh, kiểm soát thế trận, tra tấn thể lực đối phương rồi tìm cơ hội ghi bàn, thì đội Việt Nam lại vội vã tấn công để rồi nhận bàn thua thứ 3 khi Indonesia phản công.
Nhưng như thế mới là đội bóng trẻ thiếu kinh nghiệm và thiếu cả bản lĩnh. Thế nhưng thế hệ này đang tốt dần lên, chúng ta không nên mất niềm tin, không nên vì bệnh thành tích mà quên đi những gì mà đoàn quân HLV Troussier đã nỗ lực vươn lên trước đó.
Thế hệ này thật ra không yếu kém, vì trước đó họ có được đầu tư đến nơi đến chốn, có được thử lửa từ V-League cho đến các giải quốc tế đâu mà đòi hỏi cao!
HLV Philippe Troussier: Được và chưa được!
Như trên đã nói, ông Troussier nhận thế hệ này từ quý 3/2019 trong hoàn cảnh bị loại từ vòng bảng giải vô địch U.18 Đông Nam Á 2019. Ngày chính thức nhận lời làm HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam vào cuối tháng 2.2023, ông Troussier tự tin phát biểu ông biết 80% tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam là có lý do.
Trong 2 tháng chính thức làm việc (từ tháng 3 - 5), cái được lớn nhất là ông Troussier đã thay đổi triết lý chơi bóng: kiểm soát bóng, gây áp lực tầm cao khi tổ chức tấn công từ vị trí thủ môn và phòng thủ từ vị trí tiền đạo. Đây là lối chơi hiện đại và được nhiều câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia hàng đầu thế giới áp dụng. Họ đẳng cấp như vậy thế mà vẫn có những sai sót khiến nhận những bàn thua khi tổ chức tấn công từ vị trí cuối cùng là thủ môn. Nhưng ngược lại, với lối đá này, cơ hội ghi bàn sẽ đến nhiều hơn.
Thật khó cho HLV Troussier khi chuyển đổi lối chơi phòng ngự phản công của thời HLV Park Hang-seo qua pressing tầm cao, kiểm soát trận đấu khiến đối phương bị động. Càng khó hơn khi HLV Troussier sử dụng chiến thuật 3 hậu vệ, trong khi bóng đá Việt Nam từ cấp câu lạc bộ đến cấp độ đội tuyển, từ U đến quốc gia lại quen với sơ đồ 4 hậu vệ.
Đây là bài toán khó mà HLV Troussier vẫn kiên trì và dứt khoát thay đổi, xây dựng lối chơi hoàn toàn mớ. Và chúng ta đã thấy đội U.22 Việt Nam thể hiện một lối đá ngày càng thanh thoát hơn, đẹp mắt hơn, đẳng cấp hơn. Dĩ nhiên sự tiến bộ này chưa thể nhảy vọt, nhưng phải nhìn nhận đội U.22 Việt Nam đã làm được nhiều điều tích cực trong 2 tháng qua, nhất là tại SEA Games 32.
Cần nhớ lại, cố HLV Alfred Riedl từng muốn thay đổi và áp dụng sơ đồ 4 hậu vệ cho đội tuyển. Nhưng cuối cùng ông phải quay lại chiến thuật 5 hậu vệ vì khi đó bóng đá Việt Nam chỉ quen đá với 5 hậu vệ.
Nhắc chuyện cũ để càng thấy rõ hơn giá trị thay đổi để giúp bóng đá Việt Nam hướng đến tầm cao mới của HLV Troussier.
Tuy nhiên, HLV Troussier không phải là hoàn hảo. Với những gì diễn ra ở SEA Games 32, chúng ta thấy việc không chọn tiền đạo Bùi Vĩ Hào (Becamex Bình Dương), cầu thủ thi đấu V-League nhiều nhất so với thế hệ U.22, đã ảnh hưởng đến hỏa lực tấn công của đội U.22 ra sao. Hơn nữa, vị trí sở trường của Lê Văn Đô là hậu vệ và tiền vệ cánh, nhưng ông Troussier lại xếp đá tiền đạo và chúng ta cũng thấy đóng góp của Đô có phần hạn chế. Hay như Nguyễn Văn Trường được dự đoán là ngôi sao sáng của tuyến tiền vệ bóng đá Việt Nam, nhưng HLV Troussier lại đẩy Trường lên tiền đạo và Trường mất hút ở SEA Games 32.
Các chuyên gia nhận định đội U.22 Việt Nam thiếu thủ lĩnh, thiếu tiền vệ sáng tạo, nhưng có một cầu thủ bị HLV Troussier loại là Vĩnh Nguyên (CLB TP.HCM) là mẫu cầu thủ có thể đảm nhận vị trí này nếu như được tin tưởng và được đầu tư, trui rèn.
Và nữa, chúng ta không thể đòi hỏi HLV phải liên tục đứng ngoài đường biên chỉ đạo, nhưng trong tình huống dầu sôi lửa bỏng như vào cuối trận trước Indonesia, nếu HLV Troussier không trực tiếp ra khỏi khu kỹ thuật chỉ đạo, nhắc nhở các cầu thủ Việt Nam thì cũng phải có thành viên ban huấn luyện thực hiện việc này. Đáng tiếc tất cả đều ngồi trong khu kỹ thuật và các cầu thủ U.22 Việt Nam thiếu kinh nghiệm trong lúc hưng phấn, say máu dâng cao muốn ghi bàn thắng để kết liễu Indonesia, thì đã nhận cú hồi mã thương của họ.
Có nghĩa là bóng đá Việt Nam vẫn còn thiếu những nhân vật là người Việt Nam giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, đủ năng lực để phản biện HLV Troussier với mục đích chung: giúp đội tuyển các cấp độ và bóng đá Việt Nam phát triển.
Giấc mơ World Cup
Huấn luyện cầu thủ trẻ thích nghi và phát triển ở nhiều vị trí khác nhau, với tư duy chiến thuật khác nhau sẽ cần rất nhiều thời gian. Với bóng đá trẻ, cần xác định thành tích đội trẻ không quan trọng bằng tương lai cầu thủ trẻ. Chúng ta không nên coi trọng thất bại hiện tại của bóng đá trẻ, mà cần vun đắp cho thành công tương lai của họ.
Mỗi trận đấu có thể thua từ sai lầm không mong muốn của các cầu thủ trẻ, nhưng đó là cơ hội để các HLV sửa lỗi cho tương lai các cầu thủ trở nên tốt hơn.
Trên tất cả là bóng đá Việt Nam cần nghiêm túc nhìn lại là nên xây dựng bản sắc theo phong cách gì để từ đó vạch ra chiến lược phù hợp.
Những vấn đề đặt ra gần như các quan chức, lãnh đạo, chuyên gia, HLV, cầu thủ… của bóng đá Việt Nam thật sự có tâm và có tầm đều biết. Nhưng bóng đá Việt Nam cần thay đổi chuyển từ tầm nhìn ngắn hạn khi quá chú trọng đến thành tích qua tầm nhìn xa với những mục tiêu cụ thể cùng giải pháp để đạt được từng mục tiêu đề ra.
Được tham dự vòng chung kết Wolrd Cup là giấc mơ của tất cả quốc gia trên hành tinh này. Nhưng để hiện thực hóa giấc mơ đó của Việt Nam là một con đường dài mà mọi người cùng chung tay góp sức từ tâm trí, tài lực cho đến quyền lực.
Bóng đá Việt Nam không phải đặt mục tiêu là vào vòng chung kết World Cup 2026 hay 2030… mà nên vạch ra chiến lược làm thế nào để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu là World Cup 2026 thì lứa tuổi nào là phù hợp để đầu tư và đầu tư ra sao để đạt được cái đích này. Nếu không đạt được thì sao? Những World Cup sau nữa sẽ như thế nào?
Nhiều người làm bóng đá ở Việt Nam có lực, có tâm huyết nhưng chưa có sự thống nhất. Cần tách bạch rõ giữa những nhà đầu tư tài chính với các nhà chuyên môn. Người có tiền hay đầu tư không phải là người quyết định tất cả, họ chỉ hỗ trợ trước những quyết định của các nhà chuyên môn mà thôi.
Bóng đá Việt Nam nên hiểu rõ vấn đề rất quan trọng này!