100% ca mắc COVID-19 tại TP.HCM đều phải nhập viện

Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:30, 14/05/2023

Trong ngày 14.5, toàn TP.HCM ghi nhận 51 ca mắc COVID-19 thì có đến 51 ca phải nhập viện, nâng tổng số ca nhập viện hiện có lên có lên 363 ca, trong đó có 138 ca cần hỗ trợ hô hấp.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho hay tính từ 16g ngày 13.5 đến 16 giờ ngày 14.5, TP ghi nhận 51 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 51 ca nhập viện, nâng tổng số ca nhập viện hiện có 363 ca , có 138 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp.

tphcm-100-ca-mac-covid-19-phai-nhap-vien-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại TP.HCM- Ảnh: PV 

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đã ra hướng dẫn điều trị trẻ em mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà. Theo đó, khi chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà, phụ huynh, hoặc người chăm sóc trẻ không được tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm… cho trẻ khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế, không xông cho trẻ em.

Tạo không gian cách ly riêng cho trẻ, nhất là khi trẻ có khả năng tự chăm sóc, không sử dụng máy lạnh trung tâm, luôn mở cửa sổ.

Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Người chăm sóc và người trong gia đình phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ.

Khi trẻ bị sốt từ 38,5 độ trở lên cần cho trẻ dùng paracetamol liều 10-15mg/kg/lần mỗi 6 giờ (không dùng quá 60mg/kg/ngày); sử dụng thuốc cân bằng điện giải oresol, gói bù nước, chất điện giải khác; thuốc điều trị hỗ trợ (ưu tiên tiên thuốc từ thảo mộc, dùng đủ từ 5 đến 7 ngày; sử dụng dung dịch nhỏ mũi Natri Clorid 0,9%, dùng đủ từ 5 đến 7 ngày; sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy; thuốc điều trị bệnh (nếu cần thì sử dụng 1 đến 2 tuần).

Bệnh nhân mắc COVID-19 nên uống nhiều nước; bú mẹ, ăn uống đầy đủ nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng; vệ sinh thân thể, răng miệng mũi họng; đối với trẻ lớn nên tập thể dục tại chỗ, ít nhất 15 phút/ngày; theo dõi đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi thấy trẻ sốt; đo nồng dộ oxy trong máu (SpO2) tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy trẻ thở nhanh, thở mệt, khó thở; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo cho nhân viên y tế khi có dấu hiệu cảnh báo.

Để phòng bệnh COVID-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp V2K (khử khuẩn, khẩu trang và tiêm vắc xin) đầy đủ, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 52 bệnh nhân mắc COVID-19 phải thở oxy, trong đó có 43 ca thở oxy qua mặt nạ; 6 ca thở oxy dòng cao HFNC và 3 ca thở máy xâm lấn.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 14.5.2023 là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Hồ Quang