Sân bay Phú Bài thí điểm xác thực nhận diện khuôn mặt hành khách
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:49, 15/05/2023
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc tiếp tục triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học, xác thực và sử dụng căn cước công dân, hộ chiếu gắn chip điện tử đối với hành khách đi tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Cục Hàng không nhất trí tiếp tục triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học, xác thực và sử dụng căn cước công dân, hộ chiếu có gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi tàu bay và việc thí điểm ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong làm thủ tục đi tàu bay của hành khách tại sân bay Phú Bài theo phương án thí điểm do ACV đề xuất. Trong đó thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 13.5 đến hết ngày 13.6 tới.
Ngoài ra, đối với việc thí điểm tại các cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Nội Bài, Cục Hàng không đề nghị ACV thực hiện nhất quán phương án thí điểm tại Cát Bi, Nội Bài theo phương án thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, chỉ điều chỉnh những chi tiết cụ thể để phù hợp đặc điểm riêng mỗi cảng hàng không (nếu cần).
Trước đó, từ tháng 2 vừa qua, công nghệ xác thực sinh trắc học (hình ảnh khuôn mặt, vân tay) có đối chứng với thông tin căn cước công dân gắn chíp đã được thí điểm tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), tiếp sau đó là thí điểm tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).
Sau hơn 2 tháng thí điểm xác thực sinh trắc học với khách đi máy bay tại sân bay Cát Bi, mới đây Cục Hàng không đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải xin gia hạn thời gian thí điểm công nghệ mới. Việc gia hạn nhằm đảm bảo đánh giá đầy đủ hơn tính ưu việt của công nghệ, so sánh với cách thức truyền thống, xử lý các phát sinh liên quan... trước khi thực hiện rộng.
Sau khoảng 2 tháng thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc học khi làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, kết quả cho thấy toàn quá trình thí điểm còn nhiều hạn chế. Cụ thể, quá trình thử nghiệm còn tồn tại một số vấn đề như: tốc độ đọc căn cước công dân gắn chíp còn chậm, có trường hợp không đọc được do lỗi căn cước, mã căn cước bị mờ, bẩn...
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải, đề xuất cho phép thêm thời gian thí điểm, rút kinh nghiệm để xây dựng những phương án áp dụng xác thực sinh trắc học tiên tiến, phù hợp, hiệu quả nhất. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ phát triển thiết bị kiểm tra tự động, không cần có sự kiểm soát của nhân viên an ninh hàng không nhằm tiết giảm nhân lực.
Bên cạnh đó, để việc áp dụng ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học trong làm thủ tục đi tàu bay tuân thủ các quy định pháp luật nói chung và luật chuyên ngành hàng không dân dụng nói riêng, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung quy định về giấy tờ đi tàu bay và thông tin hành khách.
Cục Hàng không khuyến khích sử dụng các loại giấy tờ tích hợp trong hệ thống tài khoản định danh và xác thực điện tử hoặc hệ thống dữ liệu căn cước công dân, hộ chiếu, cũng như quy định rõ hơn về việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin hành khách khi hành khách làm thủ tục đi tàu bay.
Những điều này nhằm giúp việc áp dụng ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học trong làm thủ tục đi tàu bay tuân thủ các quy định pháp luật nói chung và luật chuyên ngành hàng không dân dụng nói riêng.
Theo ghi nhận của ACV cuối tháng 2, số lượng thẻ căn cước công dân được nhận dạng đạt khoảng 98%, tỷ lệ camera nhận dạng được khuôn mặt là 100%. Thời gian trung bình đọc thẻ căn cước công dân và thẻ lên tàu xấp xỉ 15 giây/hành khách, thời gian trung bình kiểm soát xong 1 hành khách là 60 giây.