Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: 'Con người chưa hiểu hết về các biến thể COVID-19 và hiệu quả lâu dài của vắc xin'
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:40, 16/05/2023
Từ giữa tháng 4.2023 đến nay, dịch COVID-19 đã tăng trở lại. Mỗi ngày, cả nước có cả nghìn ca mắc mới, và có nhiều trường hợp tử vong khiến cơ quan chức năng, người dân lo lắng. Ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp như kêu gọi người dân tiêm vắc xin phòng COVD-19 đủ liều; tổ chức chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; TP.HCM sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 13; người mắc COVID-19 cách ly tại nhà không được phép ra khỏi nhà, hạn chế tối đa khi ra khỏi phòng cách ly…
Ngoài ra, ngành y tế còn kêu gọi người dân thực hiện nghiêm thông điệp V2K (khử khuẩn + khẩu trang + tiêm vắc xin) đầy đủ, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế khẳng định, dịch COVID-19 sẽ không bao giờ hết. Khi biến thể này hết thì lại xuất hiện biến thể khác và nó sẽ tái đi tái lại như các căn bệnh truyền nhiễm thông thường khác hiện nay như cúm, sởi… Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu chúng ta chưa xem COVID-19 như một bệnh siêu vi, bệnh truyền nhiễm thông thường thì còn phải cách ly, thậm chí phải đóng cửa dài dài khi dịch bệnh bùng phát.
Câu hỏi được đặt ra là: "Tại sao chúng ta chưa thể xem COVID-19 là một bệnh siêu vi và đến bao giờ thì nó mới được xem là một bệnh truyền nhiễm thông thường?".
Chia sẻ về điều này, TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện trong khoảng hơn 3 năm gần đây, thời gian như thế là rất ngắn so với các bệnh truyền nhiễm hô hấp khác như: cúm (thế kỷ 15), sởi (năm 1757- chứng minh là bệnh truyền nhiễm). Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học cũng có quan điểm là còn quá sớm để coi COVID-19 tương tự như bệnh cúm mùa.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, giờ là lúc chúng ta nên coi bệnh COVID-19 như là một bệnh nhiễm siêu vi bình thường, vì thực tế hiện nay nhiều bệnh siêu vi như cúm và một số bệnh thông thường khác có tỷ lệ tử vong còn cao hơn so với COVID-19. Ông nghĩ sao về điều này?
TS-BS Nguyễn Vũ Thượng: Bệnh COVID-19 vẫn là 1 trong 4 nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ trong 3 năm liên tiếp vừa qua (2020-2022), gánh nặng bệnh tật do COVID-19 vẫn là một trong những vấn đề y tế công cộng hàng đầu. Trong khi đó, bệnh cúm xuất hiện từ hàng trăm năm và đã lưu hành trong cộng đồng; các nhà khoa học đã nghiên cứu, hiểu biết khá đầy đủ về bệnh cúm, từ việc giám sát, dự phòng cho đến chăm sóc, điều trị. Vắc xin luôn được cập nhật theo các biến đổi của vi rút. Dù vậy, thế giới vẫn phải theo dõi sát sự tiến hóa của vi rút cúm.
Với COVID-19, chúng ta vẫn tiếp tục đảm bảo việc giám sát chặt chẽ biến thể SARS-CoV-2; chăm sóc, điều trị, đảm bảo tiêm chủng COVID-19 đầy đủ… để luôn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Dịch bệnh COVID-19 đã trải qua gần 3 năm, miễn dịch trong cộng đồng với tỷ lệ cao. Tại TP.HCM miễn dịch trong cộng đồng đã hơn 94%, nhưng đến thời điểm này, người dân cũng như ngành y tế vẫn còn quá lo lắng về COVID-19. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
- Đối với dịch bệnh như COVID-19, chúng ta mới chỉ biết về nó hơn 3 năm qua và để hiểu biết rõ, kiểm soát một bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả nhất, chúng ta cần nhiều thời gian hơn. Hơn nữa, với COVID-19, người ta chưa hiểu biết hết sự xuất hiện của các biến thể mới cũng như hiệu quả bảo vệ lâu dài của vắc xin.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tiếp tục theo dõi sự tiến hóa của vi rút, sự đáp ứng miễn dịch, hiệu quả vắc xin phòng COVID-19 để kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất. Trong thời gian này, việc bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế như tiêm ngừa vắc xin COVID-19 đầy đủ cùng các biện pháp khác như đeo khẩu trang, sát khuẩn… là điều hết sức cần thiết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vi rút SARS-CoV-2 khi xuất hiện biến thể phụ mới thì nó lây lan nhanh, nhưng chỉ khoảng 4 đến 5 tuần thì trở lại bình thường, không đáng quan ngại. Vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch COVID-19 hiện nay?
Vi rút SARS-CoV-2 luôn đột biến trong suốt quá trình lây lan và hình thành các biến thể mới. Hiện tại, biến thể Omicron vẫn đang chiếm ưu thế trên thế giới. Các biến thể mới được thông báo gần đây đều là các phân nhóm phụ trong nội bộ biến thể Omicron này.
Ở nước ta, số ca mắc COVID-19 có sự gia tăng trong thời gian qua và đã ghi nhận có sự hiện diện của biến thể XBB.1.16 và biến thể này có khả năng chiếm ưu thế ở nước ta trong thời gian tới, tương tự tình hình chung trên thế giới. Ngành y tế Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến COVID-19 cũng như sự thay đổi của các biến thể để có những ứng phó thích hợp và kịp thời.
Ông có lời khuyên gì đối với người dân về dịch bệnh COVID-19 hiện nay?
Các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả mà chúng ta đang duy trì đã chứng minh tính hiệu quả trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Trước bối cảnh xâm nhập biến thể XBB.1.16 và dù có biến thể nào khác trong tương lai, chúng ta vẫn cần theo dõi sát, không chủ quan để luôn làm chủ tình thế.
Mỗi cá nhân chủ động thực hiện phòng ngừa bằng V2K, tức là tiêm vắc xin đúng lịch và đủ liều, khẩu trang và khử khuẩn. Điều này sẽ giúp mỗi cá nhân, và gia đình tránh được bệnh, góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch chung của cả cộng đồng.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!