Quy hoạch điện 8 không hợp thức hóa sai phạm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:10, 19/05/2023
Chiều nay (19.5), Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8). Công bố về Quy hoạch điện 8, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, quan điểm của quy hoạch: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, cần phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội.
Phát triển tối ưu, tổng thể nguồn, lưới truyền tải và phân phối điện, quy hoạch có tính kế thừa, động và mở nhưng không hợp thức hóa sai phạm, nghĩa là với các dự án năng lượng tái tạo trước đây, sai ở bước nào thì xử lý triệt để ở bước đó.
Theo ông Dũng, nếu dự án cấp đất sai thì xử lý vấn đề cấp đất, vi phạm liên quan đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy hay quy hoạch... thì sẽ xử lý gắn với quy định pháp luật liên quan. Quy hoạch này sẽ không bao gồm việc giải pháp xử lý những vấn đề sai phạm, các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án trước đây
Theo đó, Quy hoạch điện 8 định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện Mặt Trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới).
Cùng với việc hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP), định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Trong khi đó, các nguồn nhiệt điện than chỉ thực hiện tiếp dự án đã có trong Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh đang xây dựng với công suất khoảng 30.000 MW. Dự án này sẽ được chuyển đổi nhiên liệu từ than sang nhiên liệu sinh khối, amoniac khi công nghệ và chi phí phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm sẽ dừng hoạt động nếu không đủ điều kiện chuyển đổi.
Bên cạnh đó, nhiệt điện khí, sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện, phát triển đồng bộ hạ tầng với quy hoạch. Tổng công suất nguồn khí hóa lỏng đạt 22.400 MW, năm 2050 thì hầu hết các nhà máy sử dụng khí LNG là sử dụng khí hydro, gắn với xây dựng hạ tầng theo quy hoạch.
Với hệ thống lưới điện, sau 2030 sẽ phát triển đường dây truyền tải siêu cao áp để khai thác mạnh nguồn điện gió ngoài khơi. Việc liên kết lưới với các nước trong quy hoạch, sẽ xây dựng các công trình đấu nối giúp nhập khẩu điện từ các nguồn có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển hệ sinh thái dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Để triển khai thành công Quy hoạch điện 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể như: thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch và huy động các nguồn lực cho phát triển, bảo đảm các phương án quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách có liên quan nhằm hoàn thiện khung chính sách về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo đồng bộ và khả thi, chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật điện lực sửa đổi, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổ, các cơ chế đấu giá, đấu thầu về điện...
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống, tập trung nguồn lực, thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo nhiệm vụ được giao, đồng thời chú trọng thực hiện triệt để các biện pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, bảo đảm phát triển bền vững.
"Tập đoàn Dầu Khí (PVN), Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tích cực tìm kiếm các nguồn khí, than ở trong và ngoài nước để đảm bảo cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho sản xuất điện năng, phù hợp với nhu cầu phụ tải, chủ động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, kho cảng phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng và tập trung thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn điện được giao", Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Quy hoạch điện 8 định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện là 490.529-573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới). Trong đó điện gió trên bờ từ 60.050-77.050 MW (12,2-13,4%); Điện gió ngoài khơi 70.000-91.5000 MW (14,3-16%); Điện Mặt Trời từ 168.594-189.294 MW (33-34,4%); Thủy điện là 36.016 MW (6,3-7,3%). Đáng chú ý sẽ không còn sử dụng than để phát điện và nhập khẩu điện là 11.042 MW (1,9-2,3%).