Biến đổi khí hậu tác động mạnh vào El Nino, La Nina

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:32, 20/05/2023

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng thời tiết như El Nino và La Nina diễn ra mạnh hơn và thường xuyên hơn trong những thập niên gần đây.

Một nghiên cứu dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu tại cơ quan khoa học quốc gia Úc (CSIRO) cho biết loài người sẽ phải đối mặt với các hiện tượng El Nino và La Nina thường xuyên và dữ dội hơn trong tương lai. 

El Nino và La Nina là những hiện tượng thời tiết xảy ra tự nhiên ở Thái Bình Dương liên quan đến những thay đổi về nhiệt độ bề mặt đại dương, kiểu gió và lượng mưa. Cả hai hiện tượng này đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thời tiết thế giới.

El Nino thường mang đến thời tiết khô hơn, nóng hơn cho Đông Nam Á và Úc, trong khi La Nina thường mang đến thời tiết ẩm ướt và mát mẻ hơn. Chúng luân phiên nhau xảy ra vài năm một lần. Trong khi đó, hiện tượng ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía đông Thái Bình Dương với phía tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (được gọi là Dao động nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương). 

cuba_cigars_62164.jpg
Một ngôi nhà bị tàn phá do cơn bão Ian gây ra vào năm 2022 - Ảnh: AP 

Phát hiện mới nhất của nhóm nghiên cứu do CSIRO dẫn đầu được đưa ra sau khi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết hồi đầu tháng 5 rằng khả năng 60% El Nino sẽ xuất hiện vào cuối tháng 7 và 80% vào cuối tháng 9. Giai đoạn La Nina kéo dài 3 năm kết thúc sớm hơn tháng 3.2023 sau khi gây ra những trận mưa và lũ lụt kỷ lục ở Úc, Đông Nam Á và Pakistan.

Tác giả chính Wenju Cai thuộc CSIRO cho biết: "Nghiên cứu cung cấp bằng chứng mô hình hóa thuyết phục rằng biến đổi khí hậu đã khiến El Nino và La Nina trở nên thường xuyên hơn và cực đoan hơn, đồng thời cho thấy tác động từ con người đến khí hậu rõ ràng hơn bao giờ hết".

Nghiên cứu được công bố vào ngày 18.5 trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment.

"Đây là nghiên cứu quan trọng nhất cho đến nay đã sử dụng các mô hình khí hậu để trả lời câu hỏi liệu việc gia tăng lượng khí nhà kính có làm tăng cường độ của El Nino và La Nina hay không", ông Wenju Cai nói với The Straits Times.

Trong những thập niên gần đây, những sự kiện này đã gây ra những đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt kỷ lục, cướp đi sinh mạng, hủy hoại sinh kế và gây thiệt hại hàng tỉ USD. 

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn còn hiểu biết hạn chế về tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với El Nino và La Nina.

anh-man-hinh-2023-05-20-luc-10.55.15.png
Hạn hán ở Campuchia - Ảnh: EPA 

Tiến sĩ Cai cho biết: "Nghiên cứu trước đây đã dự đoán El Nino và La Nina sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai. Nhưng nó không thể cho chúng tôi biết liệu biến đổi khí hậu do con người gây ra đã ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết này hay chưa". 

Vì vậy, nhóm nghiên cứu bắt đầu cố gắng hiểu rõ hơn về cách phát thải khí nhà kính ảnh hưởng ra sao đến El Nino và La Nina và thời điểm tác động bắt đầu xảy ra.

Tiến sĩ Cai và đồng tác giả Agus Santoso thuộc Đại học New South Wales (Mỹ) giải thích rằng nghiên cứu này kéo dài 5 năm đã thiết lập 43 mô hình khí hậu để tạo ra các mô phỏng trên máy tính về hệ thống khí hậu của trái đất. 

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu so sánh các mô phỏng từ năm 1901-1960 với mô phỏng từ năm 1961-2020. Họ phát hiện ra rằng các hiện tượng El Nino và La Nina mạnh đã xảy ra thường xuyên hơn mức trung bình kể từ năm 1960 và phát hiện này phù hợp với những gì đã thực sự xảy ra trong cùng thời gian đó. 

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các mô phỏng khí hậu trong hàng trăm năm trước khi con người bắt đầu phát thải một lượng lớn khí nhà kính vào không khí, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng, rồi so sánh những mô phỏng này với các mô phỏng sau năm 1960.

Tiến sĩ Cai và tiến sĩ Santoso giải thích rằng phân tích này thậm chí còn cho thấy rõ ràng hơn về sự thay đổi rất mạnh ở hiện tượng Enso sau năm 1960. Họ cho biết sự thay đổi mạnh mẽ đã góp phần gây ra hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt, cháy rừng và bão thường xuyên hơn trên khắp thế giới.

Sự nóng lên toàn cầu bị gây ra bởi khí nhà kính đã khiến nhiệt độ đại dương tăng đều đặn. Các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong khí quyển và nhiệt độ bề mặt đại dương trung bình toàn cầu đã lên mức kỷ lục mới vào tháng 4 là 21,1 độ C. 

Các đại dương ấm hơn cung cấp nhiều nhiệt và độ ẩm hơn vào không khí, gây ra nhiều mưa hơn và tạo ra các cơn bão mạnh hơn. Giảm phát thải khí nhà kính trong những năm tới sẽ giúp ổn định hiện tượng ENSO trong những thế kỷ tới.

Tiến sĩ Cai nói: "Bây giờ là lúc các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý tài nguyên và người dân bắt đầu chuẩn bị cho những rủi ro kinh tế và xã hội phía trước". 

Đan Thuỳ