Phát hiện mới: Tóc 'tiết lộ' nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:41, 22/05/2023

Một nghiên cứu mới phát hiện nồng độ glucocorticoid, một loại hormone steroid tiết ra khi bị căng thẳng ở tóc có thể tiết lộ ai có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (CVD) cao.

Nghiên cứu được Hiệp hội nghiên cứu Béo phì châu Âu công bố hồi cuối tuần trước. Tác giả nghiên cứu là Tiến sĩ Eline van der Valk (Trung tâm y tế Đại học Erasmus) cho biết: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy căng thẳng mãn tính là yếu tố nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe tổng thể. Giờ đây những phát hiện của chúng tôi chỉ ra người có nồng độ glucocorticoid trong tóc cao dường như đặc biệt dễ mắc CVD hơn”.

cohair.jpg

Ngày nay, cortisol cùng cortisone (dạng bất hoạt của cortisol) trong tóc ngày càng được giới khoa học sử dụng làm chỉ dấu sinh học biểu thị lượng glucocorticoid tích lũy qua vài tháng trước đó.

Nhiều nghiên cứu trước đây phát hiện glucocorticoid và cortinsone ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và phân bổ chất béo của cơ thể. Tuy nhiên khá ít nghiên cứu xác định nồng độ loại hormone steroid này cũng như tác động của chúng với CVD về dài hạn.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phân tích nồng độ cortisol và cortisone trong 6.341 mẫu tóc đàn ông lẫn phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Người tham gia được theo dõi trung bình 5 - 7 năm để đánh giá mối liên hệ dài hạn giữa nồng độ cortisol và cortisone với sự kiện CVD xảy ra.

Trong thời gian theo dõi, có 133 sự kiện CVD xảy ra. Nghiên cứu xem xét thêm nhiều yếu tố khác liên quan đến nguy cơ mắc CVD như tuổi tác, giới tính, vòng eo, thói quen hút thuốc, huyết áp, tiểu đường tuýp 2.

Kết quả cho thấy người có nồng độ cortisone cao thời gian dài có nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch như đột quỵ hoặc đau tim cao gấp đôi. Nguy cơ tăng gấp hơn 3 lần ở người từ 57 tuổi trở xuống.

Giáo sư Elisabeth van Rossum (Trung tâm y tế Đại học Erasmus) cho biết: “Chúng tôi hy vọng phân tích tóc sẽ hữu dụng như một xét nghiệm giúp bác sĩ lâm sàng xác định được cá nhân nào dễ mắc bệnh tim mạch. Có lẽ trong tương lai tác động vào hormone căng thẳng sẽ trở thành mục tiêu điều trị mới”.

Cẩm Bình