Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn bao nhiêu?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:55, 22/05/2023

Đến hết quý 1/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 5.640 tỉ đồng, đây là mức cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay.

Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố chiều nay (22.5) về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) quý 1/2023, đến hết ngày 31.12.2022, số dư quỹ là 4.617,33 tỉ đồng.

xang-dau.png

Tổng số trích quỹ BOG trong quý 1/2023 (từ ngày 1.1 đến hết ngày 31.3) là 1.681,75 tỉ đồng; tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý 1/2023 là 658,99 tỉ đồng; lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý 1/2023 là 2,42 tỉ đồng... Số dư quỹ BOG đến hết ngày 31.3 ở mức 5.640,34 tỉ đồng, tăng khoảng 1.040 tỉ đồng so với quý liền trước đó. Đây cũng là mức cao nhất của quỹ từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong 33 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.985 tỉ đồng, chiếm 35% tổng quỹ. Ngoài Petrolimex, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 561 tỉ đồng)...

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 513 tỉ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tân Nhật Minh cũng âm hàng chục tỉ đồng.

Trong kỳ điều chỉnh vào chiều nay, liên Bộ Công Thương - Tài chính tăng giá các mặt hàng xăng, dầu (trừ dầu hỏa). Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 357 đồng/lít, lên mức 20.488 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 499 đồng/lít, có giá bán không cao hơn 21.499 đồng/lít; dầu diesel tăng 301 đồng/lít, lên mức 17.954 đồng/lít; dầu mazut “đội” 296 đồng/kg, có giá bán 15.158 đồng/kg. Riêng dầu hỏa giảm 3 đồng/lít, có giá bán 17.969 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng đã tăng trở lại sau 3 lần giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 15 lần điều chỉnh giá. Trong đó, 8 lần là tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định.

Dù nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng Chính phủ vẫn muốn giữ quỹ này bởi Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những công cụ điều tiết giá trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Tuyết Nhung