Lệnh cấm Micron của Trung Quốc làm tăng căng thẳng với Mỹ, giúp cổ phiếu hãng chip nội địa tăng vọt

Thế giới số - Ngày đăng : 19:47, 22/05/2023

Việc Trung Quốc cấm Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) bán sản phẩm cho các ngành công nghiệp quan trọng trong nước làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và đẩy giá cổ phiếu của các công ty có thể hưởng lợi từ biện pháp này.

Hôm 21.5, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo các sản phẩm của Micron Technology đã không vượt qua được đánh giá an ninh mạng và sẽ cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua hàng từ công ty này. CAC không cung cấp chi tiết về những rủi ro đã phát hiện hoặc những sản phẩm nào của Micron Technology sẽ bị ảnh hưởng.

Quyết định trên được công bố trong bối cảnh tranh chấp về công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gồm nhiều lĩnh vực từ viễn thông, dịch vụ thông tin, năng lượng, giao thông, tài nguyên nước đến tài chính, theo định nghĩa chung của quốc gia châu Á về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.

"Đánh giá cho thấy các sản phẩm của Micron Technology có rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", CAC nêu trong một tuyên bố.

Các nhà phân tích của hãng Jefferies (Mỹ) dự báo lệnh cấm trên ​​sẽ có tác động hạn chế với Micron Technology vì khách hàng chính của họ ở Trung Quốc là các công ty điện tử tiêu dùng như sản xuất smartphone và máy tính, chứ không phải nhà cung cấp cơ sở hạ tầng.

"Vì các sản phẩm DRAM và NAND của Micron Technology ít xuất hiện trong các máy chủ, chúng tôi tin rằng phần lớn doanh thu của họ ở Trung Quốc không được tạo ra từ các hãng viễn thông và chính phủ. Do đó, tác động cuối cùng với Micron Technology sẽ khá hạn chế", các nhà phân tích của hãng Jefferies nhận xét.

Thế nhưng, các chuyên gia cảnh báo động thái từ Trung Quốc có thể khiến một số công ty loại bỏ sản phẩm của Micron Technology khỏi chuỗi cung ứng do rủi ro chính trị.

Cổ phiếu Micron Technology đã giảm 5,5% trong giao dịch trước mở cửa hôm 22.5 ở Mỹ. Trong khi cổ phiếu các nhà sản xuất chip khác của Mỹ có mối quan hệ lớn với Trung Quốc như Qualcomm, Intel và Broadcom giảm gần 1%.

Quyết định từ CAC bị Mỹ phản đối nhưng giúp thúc đẩy cổ phiếu các đối thủ của Micron Technology ở Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn được cho là hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc tìm các sản phẩm bộ nhớ từ nguồn khác.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm 21.5: “Chúng tôi kiên quyết phản đối các hạn chế không có căn cứ thực tế. Hành động này, cùng với các cuộc đột kích và nhắm mục tiêu gần đây vào các công ty Mỹ khác, không nhất quán với những khẳng định của Trung Quốc rằng họ đang mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ một khung pháp lý minh bạch".

lenh-cam-micron-cua-trung-quoc-gay-tang-cang-thang-voi-my.jpg
Trung Quốc cấm Micron Technology bán sản phẩm cho các ngành công nghiệp quan trọng trong nước này - Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa hai cường quốc gia tăng những tháng gần đây sau các cuộc đột kích và chuyến thăm của cơ quan quản lý Trung Quốc tới hãng thẩm định doanh nghiệp Mintz Group và công ty tư vấn quản lý Bain của Mỹ.

Hôm 21.5, Micron Technology thông báo đã nhận được đánh giá của cơ quan quản lý và mong muốn "tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận với chính quyền Trung Quốc".

Micron Technology là hãng chip Mỹ đầu tiên bị Bắc Kinh nhắm đến sau một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chính quyền Biden với một số linh kiện và công cụ sản xuất chip Mỹ nhằm ngăn chặn việc chúng được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự cho Trung Quốc.

Trung Quốc đã thông báo đánh giá các sản phẩm của Micron Technology vào cuối tháng 3. Khi đó, nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ cho biết đang hợp tác và hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vẫn bình thường.

Thời điểm CAC công bố lệnh cấm với Micron Technology rất quan trọng, khi Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 diễn ra tại Nhật Bản.

Hôm 21.5, lãnh đạo các quốc gia G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) đồng ý "giảm thiểu rủi ro, không tách rời" sự tương tác kinh tế với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden còn kêu gọi việc thiết lập "đường dây nóng" mở giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ nói chuyện trực tiếp với các nhà chức trách ở Trung Quốc để làm rõ hành động của họ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác chủ chốt để đảm bảo phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết những sai lệch trên thị trường chip nhớ do hành động của Trung Quốc gây ra", Bộ Thương mại Mỹ thông báo.

Dù Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết quyết định cấm Micron Technology cần được xem là trường hợp riêng biệt trong bối cảnh quan ngại về an ninh quốc gia chứ không phải địa chính trị, nhà bình luận nổi tiếng Hồ Tích Tiến lại có quan điểm khác.

"Bản thân chính quyền Biden khuyến khích các công ty Mỹ làm những việc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc, vì vậy họ nghi ngờ rằng các công ty Trung Quốc cũng đang làm như vậy", Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, viết trên Twitter.

Cổ phiếu một số công ty sản xuất chip Trung Quốc tăng vọt

Việc Trung Quốc trừng phạt Micron Technology giúp tăng giá cổ phiếu của một số công ty liên quan đến sản xuất chip trong nước hôm 22.5. Trước đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết các nhà sản xuất chip trong nước có thể được hưởng lợi từ quyết định này.

Cổ phiếu các công ty như Gigadevice Semiconductors, Ingenic Semiconductor và Shenzhen Kaifa Technology tăng vọt từ 3% đến 8% trước khi giảm đà tăng.

Cổ phiếu các đối thủ lớn của Micron Technology cũng tăng, với Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,9% và 2,1%. Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu Samsung Electronics và SK Hynix giảm và chốt phiên hôm 22.5 với mức tăng 0,2% và 0,9%, do các nhà phân tích dự đoán tác động hạn chế từ lệnh cấm của Trung Quốc với Micron Technology.

Cả hai hãng chip nhớ hàng đầu Hàn Quốc đều không đưa ra bình luận.

Theo hãng Jefferies, Micron Technology đã tạo ra 5,2 tỉ USD doanh thu từ Trung Quốc và Hồng Kông vào năm ngoái, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu.

Các khách hàng hàng đầu của Micron Technology tại Trung Quốc, được xếp hạng theo đóng góp vào doanh thu cho hãng, là Lenovo, Xiaomi, Inspur Electronics Information, ZTE, Coolpad, China Electronics Corp và Oppo, theo hãng tin Bloomberg.

Hãng Bernstein cho biết mức giảm doanh thu khoảng 2% sau lệnh cấm từ Trung Quốc là ước tính khá thực tế do Micron Technology chỉ có mức tiếp xúc tương đối nhỏ với lĩnh vực doanh nghiệp và máy chủ đám mây.

Là quốc gia mua chất bán dẫn lớn nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đã dần giảm sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu trong chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm nâng cao khả năng tự cung tự cấp.

Vào tháng 9.2021, Trung Quốc đã áp đặt các quy tắc nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, yêu cầu các nhà khai thác của họ tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn xung quanh các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu.

Trung Quốc đã định nghĩa rộng rãi các ngành mà họ coi là "quan trọng" như truyền thông công cộng và vận tải nhưng không chỉ định chính xác loại công ty hoặc phạm vi kinh doanh nào sẽ được áp dụng.

Sơn Vân