Ukraine không dễ sử dụng F-16

Quốc tế - Ngày đăng : 11:16, 23/05/2023

Ngay sau khi xuất hiện thông tin Anh và Hà Lan dự định lập liên minh giúp đỡ Ukraine có được F-16, Tổng thống Joe Biden bất ngờ lên tiếng ủng hộ huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ này.

F-16 là phiên bản nâng cấp đáng giá. Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh quyết định từ phía người đồng cấp Mỹ đồng thời khẳng định năng lực tác chiến của lực lượng trên không sẽ được tăng cường đáng kể.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo F-16 không phải vũ khí “toàn năng” và phía Nga hoàn toàn có thể tìm ra cách khắc chế.

Một phi công F-16 giấu tên nói với đài CNN rằng kỳ vọng này có thể đang quá cao, chiến đấu cơ chẳng thể tạo nên sự khác biệt.

ukraine.jpg

Chiến đấu cơ phổ biến nhất thế giới

Chiến đấu cơ đa nhiệm một động cơ F-16 ra mắt vào những năm 1970, có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công trên không lẫn tấn công mặt đất. Không quân Mỹ đánh giá đây là hệ thống vũ khí hiệu suất cao với chi phí tương đối thấp.

Nhiều thập kỷ qua đã có hàng nghìn chiếc F-16 xuất xưởng, hàng trăm chiếc được xuất khẩu. Trang tin Flight Global xác định hiện tại có tổng cộng khoảng 2.200 chiến đấu cơ loại này đang hoạt động và là máy bay chiến đấu phổ biến nhất thế giới.

F-16 viện trợ Ukraine nhiều khả năng là phiên bản cũ mà Mỹ bán cho các đồng minh Tây Âu, nhưng không phải phiên bản cũ nhất mà đã được nâng cấp hệ thống điện tử cùng phần mềm.

Ukraine từng tuyên bố cần khoảng 200 chiếc F-16. Cựu phi công Mỹ Robert Hopkins cho biết: “Các nước phương Tây sở hữu rất nhiều F-16 nên dễ dàng cung cấp ngay cũng như có thể thiết lập được đường dây hậu cần hỗ trợ. Có chiến đấu cơ khác tốt hơn nhưng số lượng ít hơn và không tiện chuyển giao”.

Máy bay tốt hơn F-16 có thể kể đến F-35, F/A-18, Rafale – cả ba đều được biết đến nhiều.

Một phương án ít nổi tiếng hơn là Grippen do Thụy Điển sản xuất. Cựu sĩ quan không quân Úc Peter Layton cho biết vũ khí này sở hữu khả năng chiến đấu, hoạt động ở căn cứ điều kiện khó khăn tốt, lại dễ bảo dưỡng hơn, nhưng sản lượng hàng năm không cao và không có sẵn hàng.

Theo ông Layton, Hà Lan - có khoảng 40 chiếc F-16 được nâng cấp - dễ dàng viện trợ Ukraine.

Khó khăn khi vận hành F-16

Với chiến đấu cơ hiện đại như F-16, đào tạo nhân sự phụ trách bảo dưỡng mất nhiều thời gian hơn huấn luyện phi công. Ông Layton cho rằng thời gian huấn luyện phi công Ukraine lái chiến đấu cơ này vào khoảng 3 tháng.

Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) trong một báo cáo tháng 3 nói rõ đào tạo nhân sự phụ trách bảo dưỡng F-16 cần đến vài tháng thậm chí vài năm. Ngay cả khi hoàn thành đào tạo thì một kỹ thuật viên không quân Mỹ còn phải có 1 năm làm việc thực tế thì mới được xem là đạt chuẩn.

Chuyện bảo dưỡng còn một vấn đề cũng lớn không kém: F-16 cần 16 giờ bảo dưỡng cho mỗi giờ bay.

Với việc huấn luyện phi công, ông Layton cùng phi công giấu tên cho biết 3 tháng chỉ đủ học những điều cơ bản như cách cất hạ cánh và duy trì độ cao. Kỹ năng chiến đấu phức tạp hơn nhiều.

“Học lái chỉ là một phần. Phi công Mỹ trước hết học lái, sau đó học dẫn dắt 2 chiếc F-16, rồi 4 chiếc. Quá trình kéo dài nhiều năm, và đây chỉ mới là đơn vị chiến thuật cơ bản”, theo phi công giấu tên.

Ông Layton cho rằng trong ngắn hạn phi công Ukraine có thể học dùng F-16 cho nhiệm vụ phòng không như bắn hạ tên lửa hoặc máy bay Nga. Còn học bay tầm thấp, tấn công mặt đất ở mọi điều kiện thời tiết bằng bom được dẫn đường bằng hồng ngoại cần thêm thời gian.

Một vấn đề nữa là Ukraine sẽ để F-16 đồn trú ở đâu? Hai nhà phân tích John Hoehn và William Courtney (tổ chức RAND Corp) đầu tháng qua cho biết, chiến đấu cơ này hoạt động tốt nhất trên đường băng dài tình trạng tốt, vì vậy khi nhận máy bay thì Ukraine phải tu sửa hoặc mở rộng một số đường băng – hoạt động có thể bị Nga phát hiện. Nếu chỉ có vài địa điểm đồn trú phù hợp, Nga sẽ dễ dàng nhắm mục tiêu.

Giả sử Ukraine có thể khắc phục trở ngại về bảo dưỡng và hậu cần, đồng thời xây dựng được đường băng phù hợp, họ còn cần có vũ khí phù hợp để F-16 đối phó máy bay Nga hiệu quả.

Vũ khí phương Tây trang bị cho F-16 rất tốn kém. Một tên lửa không đối không tầm trung tiên tiếng (AMRAAM) có giá khoảng 1,2 triệu USD và mất đến 2 năm để sản xuất.

Cẩm Bình