ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh: Khó rà soát hết nội dung 'cài cắm' trong luật
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:15, 23/05/2023
Khó rà soát hết nội dung “cài cắm” trong luật
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 23.5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho biết, khi bàn về công tác xây dựng pháp luật, ai cũng hiểu Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, trong đó có quyền lực cao nhất về lập hiến, lập pháp.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phải trả lời được Quốc hội đã thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong công tác lập hiến, lập pháp chưa? Tại sao Quốc hội là cơ quan cao quyền lực cao nhất trong công tác này nhưng vẫn có tình trạng luật ban hành rồi vẫn phải có văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hướng dẫn mới thực hiện được?
Đại biểu cũng đặt vấn đề, cách xây dựng pháp luật hiện nay được thể hiện trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã thể hiện đúng tinh thần Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất về lập hiến, hợp pháp chưa? Nếu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thật sự tối ưu, vậy tại sao tuổi thọ của nhiều đạo luật chỉ có trên dưới 10 năm?
Đại biểu cho rằng, nếu tiếp tục tư duy lập pháp theo hướng cơ quan nào chủ trì dự thảo luật sẽ trình dự luật đó cho Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm thì sẽ không tránh khỏi việc Quốc hội vẫn phải chạy theo và bị động khi cơ quan trình dự thảo luật đó.
Đại biểu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa, cơ quan nào vi phạm về thời gian sẽ dừng, không trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Theo đại biểu, dự thảo luật bao giờ cũng có nhiều điều luật có lợi cho cơ quan soạn thảo, dù Quốc hội có thẩm tra và quyết định cuối cùng thì cũng khó có thể bao quát hết được những nội dung cài cắm trong dự luật. Lý do là thời gian xây dựng pháp luật và khả năng xây dựng pháp luật bao giờ cũng có những hạn chế nhất định.
“Thực tiễn cho thấy, không cơ quan nào khi xây dựng dự thảo luật là không tính đến đầy đủ lợi ích của cơ quan mình cả. Do đó mới có tình trạng luật được ban hành đã có nhiều đạo luật luôn dễ và thuận lợi cho cơ quan nhà nước và vẫn có những nội dung khó cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều đạo luật và nhiều năm”, ông Thịnh nêu.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho hay, trong các Nghị quyết, Đảng, Nhà nước luôn quán triệt từ công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật bao giờ cũng phải lấy người dân và các đối tượng điều chỉnh của pháp luật là trung tâm, lấy lợi ích của người dân và doanh nghiệp để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
"Hiện nay, đã có nhiều tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật trong từng nhiệm kỳ của Quốc hội. Tuy nhiên cũng cần trả lời một câu hỏi rằng, công tác xây dựng pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của đất nước chưa? Người dân đã mong đợi vào công tác xây dựng pháp luật này như thế nào? Đây là vẫn đề Quốc hội cần phải bàn và suy nghĩ thêm", ông Thịnh nói.
Ai soạn thảo luật và ban soạn thảo do ai chỉ đạo?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đã đưa ra là những tồn tại của công tác lập pháp trong những nhiệm kỳ vừa qua. Do đó cần có giải pháp để khắc phục được các tình trạng như lợi ích nhóm, có lợi cho người quản lý, những điều luật xa lạ với người dân…
Để giải quyết được tình trạng trên, ông Nghĩa nhấn mạnh phải trả lời được hai câu hỏi như "ai soạn thảo" và "ban soạn thảo do ai chỉ đạo". Đại biểu cho biết, xây dựng luật thì phải có những chuyên gia, chuyên ngành, nên ban soạn thảo phải có một số cán bộ của bộ chuyên ngành và chuyên gia của các ngành pháp luật.
“Đối với các chuyên gia độc lập, các nhà khoa học hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó không trực thuộc ban, ngành nào, có uy tín trong xã hội và đại diện cho đối tượng điều chỉnh thì phải bảo đảm sự sự khách quan, bảo đảm được tiêu chí chuyên ngành và có kiến thức về soạn thảo văn bản pháp quy. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo này phải hình thành độc lập”, ông Nghĩa nêu.
Bổ sung thêm một số giải pháp tổ chức xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, thành phần ban soạn thảo luật nên tăng cường các đối tượng bên ngoài và trưởng ban soạn thảo có thể không phải là đại diện các bộ, ngành.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tập trung vào kiểm soát thủ tục, trình tự của các hồ sơ sự thảo luật, thay vì can dự sâu vào nội dung của dự thảo luật. Lý do, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, khi nào Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh, các nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật, khi đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thực hiện quyền ủy nhiệm luật pháp; còn giai đoạn soạn thảo, chủ yếu là cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Vì vậy, theo ông Vân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào kiểm soát thủ tục, quy trình lập pháp để ngăn chặn ngay từ đầu những dự án luật không đúng với chủ đề Quốc hội đã thông qua.
Đại biểu cũng cho rằng cần đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc khởi xướng chính sách và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các dự án luật, trong đó yêu cầu người nào, tổ chức nào khởi xướng chính sách, đề xuất các dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Nhà nước về tính hiệu quả.