Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế toàn cầu nếu Mỹ vỡ nợ?
Quốc tế - Ngày đăng : 12:56, 24/05/2023
Những tác động từ việc nước Mỹ lần đầu tuyên bố vỡ nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Những nhà máy ở Trung Quốc cung cấp linh kiện điện tử cho Mỹ sẽ bị tác động mạnh. Những nhà đầu tư Thuỵ Sĩ sở hữu trái phiếu Mỹ sẽ bị lỗ. Các doanh nghiệp Sri Lanka sẽ không thể sử dụng USD để thay thế cho đồng nội tệ trong nước...
Mark Zandi, chuyên gia phân tích kinh tế tại Moody’s Analytics chia sẻ: "Không có lĩnh vực nào của nền kinh tế thế giới tránh được tác động của việc Mỹ bị vỡ nợ và cuộc khủng hoảng này không được giải quyết nhanh chóng".
Zandi và các đồng nghiệp khác kết luận rằng việc trượt trần nợ công trong vòng 1 tuần sẽ khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu, xóa sạch khoảng 1,5 triệu việc làm.
Nếu tình trạng vỡ nợ kéo dài lâu hơn nữa, đến tận mùa hè thì hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn nhiều. Zandi đã nhận thấy điều này trong một phân tích: Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống, 7,8 triệu việc làm tại Mỹ sẽ biến mất, lãi suất cho vay sẽ tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,4% ở hiện tại lên 8%. Thị trường chứng khoán sẽ lao dốc và xóa sạch khoảng 10.000 tỉ USD tài sản của các hộ gia đình.
Tất nhiên, tình hình thực tế có thể không đến mức như vậy. Nhà Trắng và các quan chức đảng Cộng hòa vẫn đang tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Đảng Cộng hòa đã đe dọa để nước Mỹ vỡ nợ trừ khi chính quyền của ông Joe Biden thực hiện các biện pháp cắt giảm triệt để chi tiêu công.
Một trong những yếu tố khiến các quốc gia lo lắng về khả năng Mỹ vỡ nợ chính là việc một tỷ lệ lớn các hoạt động tài chính toàn cầu phụ thuộc vào niềm tin rằng nước này sẽ luôn đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. Các khoản nợ của Mỹ từ lâu được coi là một tài sản có rủi ro thế chấp, là nền móng của hệ thống thương mại toàn cầu.
Một vụ vỡ nợ có thể phá hủy thị trường buôn bán trái phiếu chính phủ Mỹ có trị giá 24.000 tỉ USD, khiến thị trường tài chính tê liệt và gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Mỹ) và là thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho biết: "Vỡ nợ sẽ là một sự kiện thảm khốc, với tác động không thể đoán trước nhưng có thể là nghiêm trọng đối với thị trường tài chính toàn cầu và Mỹ".
Mối đe dọa đã xuất hiện khi nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều áp lực như lạm phát, lãi suất tăng, hậu quả của cuộc chiến tranh tại Ukraine. Nhiều quốc gia đã trở nên hoài nghi về vai trò của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong quá khứ, các chính trị gia tại Mỹ luôn đạt được thỏa thuận để nâng trần nợ vào phút cuối. Quốc hội đã có 78 lần nâng hoặc điều chỉnh trần nợ của Mỹ kể từ năm 1960, với lần gần nhất là vào năm 2021.
Tuy nhiên vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn. Sự chia rẽ đảng phái trong Quốc hội ngày càng trầm trọng khi nợ công của Mỹ đã tăng lên sau nhiều năm tăng chi tiêu và cắt giảm thuế. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo rằng Mỹ có thể vỡ nợ kể từ ngày 1.6.
Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết: "Nếu niềm tin vào trái phiếu chính phủ bị sụt giảm vì bất kỳ lý do nào, nó có thể tạo ra những làn sóng xung kích đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ, gây ra những hậu quả lớn cho đà tăng trưởng toàn cầu".
Trái phiếu chính phủ Mỹ được sử dụng rộng rãi làm tài sản thế chấp cho các khoản vay hoặc như một tấm nệm chống lại các khoản lỗ của hệ thống ngân hàng. Trong những giai đoạn kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, trái phiếu chính phủ Mỹ còn được các ngân hàng trung ương nước ngoài sử dụng như quỹ dự trữ.
Do niềm tin của công chúng, các khoản nợ của Mỹ dưới dạng tín phiếu kho bạc, trái phiếu có rủi ro bằng không theo quy định của hệ thống ngân hàng toàn cầu. Các chính phủ nước ngoài và nhà đầu tư nắm giữ khoản nợ trị giá gần 7,6 nghìn tỉ USD - tương đương 31% lượng trái phiếu chính phủ Mỹ được phát hành trên thị trường tài chính.
Do sự thống trị của mình, USD được coi như đồng tiền ngoại tệ toàn cầu kể từ sau Thế chiến thứ 2, chính phủ Mỹ không gặp nhiều khó khăn khi vay tiền và thanh toán nghĩa vụ tài chính cho khoản nợ công ngày càng lớn của nước này.
Song nhu cầu cao đối với đồng USD cũng có xu hướng khiến nó trở nên có giá trị hơn so với các loại tiền tệ khác và điều đó gây ra một cái giá phải trả: đồng USD cao khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ nước ngoài, điều này làm các nhà xuất khẩu của Mỹ gặp bất lợi trong cạnh tranh. Đó là một lý do tại sao Mỹ bị thâm hụt thương mại hằng năm kể từ năm 1975.
Trong tất cả các khoản dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ, đồng USD chiếm 58%. Đứng thứ 2 là đồng euro, chiếm 20%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm dưới 3%.
Các nhà nghiên cứu tại Cục Dự trữ liên bang đã tính toán rằng từ năm 1999 - 2019, 96% giao dịch ở châu Mỹ được thực hiện bằng USD. Ở châu Á là 74% . Ở những nơi khác bên ngoài châu Âu, nơi đồng euro chiếm ưu thế, đồng USD chiếm 79% các giao dịch thương mại.
Tiền tệ của Mỹ đáng tin cậy đến mức các thương nhân ở một số nền kinh tế không ổn định yêu cầu thanh toán bằng USD, thay vì tiền tệ của quốc gia họ. Đơn cử như Sri Lanka, đất nước bị vùi dập bởi lạm phát và sự sụt giá chóng mặt của đồng nội tệ. Đầu năm nay, các chủ hàng đã từ chối giao 1.000 container thực phẩm cần thiết trừ khi họ được trả bằng USD. Các lô hàng chất đống tại các bến cảng ở Colombo vì các nhà nhập khẩu không thể thanh toán bằng USD cho các nhà cung cấp.
"Không có đồng USD, chúng tôi không thể thực hiện các giao dịch. Khi nhập khẩu các mặt hàng, chúng tôi phải sử dụng ngoại tệ. Trong phần lớn trường hợp, đồng tiền được lựa chọn là USD", Nihal Seneviratne người phát ngôn của Hiệp hội Thương mại và nhập khẩu thực phẩm thiết yếu ở Sri Lanka cho biết.
Năm 2000, Ecuador đã đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế bằng cách thay thế đồng nội tệ bằng USD - một quá trình được gọi là "USD hóa".
Ngay cả khi một cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ, đồng USD vẫn luôn được lựa chọn làm đồng ngoại tệ dự trữ của các nhà đầu tư. Đó là những gì đã xảy ra vào cuối năm 2008, khi sự sụp đổ của thị trường bất động sản tại Mỹ đã làm trăm ngân hàng và công ty tài chính, bao gồm cả Lehman Brothers phải tuyên bố phá sản.
Clay Lowery thuộc Viện Tài chính quốc tế cho biết: "Mặc dù chúng tôi đang gặp vấn đề nhưng USD vẫn là vua của các loại tiền tệ".
Theo ông Zandi, trong khoảng thời gian đầu sau khi Mỹ vỡ nợ, giá trị của đồng USD vẫn sẽ tăng khi các nhà đầu tư vẫn tìm đến đồng tiền này. Tuy nhiên, về lâu dài, khi thị trường trái phiếu của chính phủ Mỹ bị tê liệt, các nhà đầu tư có thể chuyển tài sản của mình sang các dạng khác như trái phiếu của những tập đoàn lớn. Theo thời gian, đồng USD sẽ dần bị suy yếu.
Mặc dù đồng USD vẫn chiếm ưu thế trên toàn cầu nhưng đã mất điểm trong những năm gần đây khi nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển sang sử dụng đồng euro và ở mức độ thấp hơn là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Các quốc gia khác đang có xu hướng phẫn nộ về việc giá trị của đồng USD có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đồng tiền tệ nào thay thế được đồng USD. Đồng euro thua xa so với đồng USD, đồng nhân dân tệ thậm chí còn kém hơn nữa khi nó bị hạn chế bởi Trung Quốc từ chối để đồng tiền của nước này được giao dịch tự do trên thị trường toàn cầu. Nhưng vụ vỡ nợ chắc chắn sẽ làm dấy lên câu hỏi về sức mạnh tài chính to lớn của Mỹ và đồng USD.